Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2024

BÀN VỀ THỂ CÁCH CỦA PHÉP LƯU THUỶ ĐỐI VÀ BẤT ĐỐI CHI ĐỐI -Thamduong Thi Tập



Trong khi viết về phép Tha đối để chia sẻ với những bạn yêu thơ đường, tôi nghĩ rằng mình sẽ viết thêm một số phép đối nữa để cho cả nhà tham khảo và một số bạn có tâm cầu thị được hiểu rõ hơn. Nhưng có lẽ thời gian thì thật không như lòng tốt của người ta chút nào, thành thử phải đến hôm nay tôi mới lại tiếp tục viết về những điều này. Tuy rằng có muộn, nhưng có lẽ quý bạn sẽ lượng thứ cho tôi, vì dù sao đi nữa thì sự học không phải lúc nào gấp gáp mà có thể thành tựu, còn cần phải có sự đam mê và duyên lành nữa.

***

BÀN VỀ THỂ CÁCH CỦA PHÉP LƯU THUỶ ĐỐI  

VÀ BẤT ĐỐI CHI ĐỐI.

Sở dĩ Thơ Đường có sự phong phú về đối ngẫu là bởi vì để tránh sự rập khuôn trong cấu tứ một bài thơ, nhịp điệu và các thể loại chính danh đối vốn chỉ dành cho những người mới tập chơi bước đầu tìm hiểu về phép tắc của nó. Điều này như là chủ ý của tiền nhân trong một sự phá bỏ những xiềng xích đã cũ nhưng vẫn nằm trong khuôn thước của kết cấu định sẵn, gói gọn bởi 56 chữ trong bảng luật bằng - trắc. Từ đó lần lần xuất hiện những lối đối như là tá tự đối, tha đối, thập tứ tự đối, thiển đối, bất đối chi đối .v.v.v mà chúng ta đã có dịp nghe qua...

Như đề xuất thì hôm nay chúng ta sẽ đi tìm hiểu về phép Bất Đối Chi Đối. 

Đầu tiên về mặt ngữ nghĩa thì rất rõ ràng rồi, phép này có nghĩa là "không đối mà đối" nên tạm gọi là "bất đối chi đối". Vấn đề ở đây là "không đối mà đối" có thể làm cho chúng ta khó hiểu vì nghe có vẻ trừu tượng, nhưng có thể tạm thời hiểu là "Ý không đối mà đối" có nghĩa là hai câu thật không có ý đối mà thành đối nhau, như vậy với định nghĩa này chúng ta có thể hiểu được dụng ý của phép đối và có thể tiến sâu vào thể cách của nó.

Có một vấn đề mà chúng ta cần lưu ý ở đây, là chúng ta rất dễ nhầm lần giữa phép BDCD và Lưu Thuỷ đối, điểm chung là hai phép đối này đều có phần bất đối nhưng lại không đồng ở phương pháp đối. 

Lưu thuỷ đối như một dòng nước chảy từ đây qua đó; từ cao xuống thấp như một hệ quả tất yếu phải diễn ra một cách đồng bộ.

Bất Đối Chi Đối thì vừa thuận vừa nghịch, có thể đi từ thấp lên cao, cao xuống thấp mà không chướng ngại như một sự tương quan qua lại giữa các sự vật hiện tượng một cách song lập, đồng đẳng. Để dễ hiểu hơn tôi sẽ lấy vài ví dụ cho các bạn.

Vd về phép Lưu Thuỷ:

Từ khi gió bụi chia đôi ngả

Cho đến mưa rơi kết một dòng

(Thập tự đối - lưu thuỷ)

"Ở đây ta chỉ riêng bàn về phép lưu thuỷ", từ cơn gió bụi nổi lên làm cho người ta thất lạc nhau, trải qua một phen biến động mưa gió bão bùng mới được hồi đầu gặp lại, như vậy đây chính là phép lưu thuỷ mà chúng ta đã đề cập.

Ai theo năm tháng hoài chau mặt

Giá biết âm dương cỏ bạc đầu

(Lưu thuỷ kết hợp vấn đối trong sự liên hệ thời gian_ kết quả của sự theo đuổi những sự bất toàn)

Ví dụ về phép Bất Đối Chi Đối:

Tự hữu sinh dân dĩ lai

Vị như kim nhật chi thịnh

( Từ khi có dân sinh_Chưa bằng ngày nay là thịnh)_ sự tương quan được triển khai theo hướng so sánh, ôn cố tri tân, dùng quá khứ để nói hiện tại)

Bóng chiều đã ngã đâu quê cũ

Xưa nay chinh chiến mấy ai về 

(Văn tự không đối nhưng về ý thì đối theo thể thức vấn đối kết hợp với sự tương quan song lập, so sánh đúc kết thời cuộc như một tâm lý chung)

Đây nắng thơ ngây lòng mến bạn

Ở đời mát dịu lá che cây

- Văn tự đối, ý không đối mà đối_ tương quan đồng đẳng, về sự thì riêng biệt nhưng lý thì đồng điệu.

Vàng tung cách hạc bay bay mãi

Trắng một màu mây vạn vạn đời. 

(Vũ Hoàng Chương)

- Văn tự đối kết hợp với điệp vận đối tương quan song lập đồng đẳng như trời và đất, Không gian "bay bay" tương quan với Thời gian "vạn vạn" đời.

Mai này không bạn hồn thương nhớ

Em có bao giờ khóc tiễn xuân?

- Thuận nghịch tục kết hợp vấn đối tương quan song lập thời gian.

Như vậy, qua một số ví dụ trên đây chúng ta có thể thấy sự linh hoạt của các phép đối trong thơ đường luật, vốn khá phong phú thay vì như sự gò bó như mọi người vẫn thường hiểu. 

Về phần cấu trúc đối của phép Bất đối chi đối như các bạn đã biết, nó không chỉ giới hạn ở sự "bất đối" hay "đối" văn tự với nhau, mà nó nằm ở "Ý" của cả cặp đối, điều này mọi người có thể linh hoạt thay vì phải quá cầu kì trong việc phân loại đối, mà phải dựa hoàn toàn vào đặc điểm của từng loại đối mà có thể nhận thức rõ ràng. Có như vậy thì việc làm thơ mới nắm chắc lối đối mà ta dùng tới.

Sau cùng qua một số ví dụ chúng ta có thể phân biệt rõ ràng về phép Bất Đối Chi Đối, nhân tiện cũng nắm thêm về phép lưu thuỷ và những phép được kết hợp theo kèm trong đối ngẫu. Và nếu các bạn thuần thục thể cách các loại đối, chúng ta có thể kết hợp chúng lại trong một cặp đối không gới hạn ở một phép đối...

Thamduong Thi Tập


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!