Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

BÀI THƠ CON CÓC-Lý Viễn Giao


BÀI THƠ CON CÓC
    Lý Viễn Giao

Phàm những người đến với thơ Haiku ai cũng biết bài thơ Con Ếch của Basho:
古池や  (Furuikeya)Furuikeya
蛙飛び込む  ( Kawazu tobikomu)
水の音  ( Mizu no oto)
mà Nhật Chiêu dịch là:
Ao xưa
Con ếch nhẩy vào
Tiếng nước xao.
Đây được coi là bài thơ Haiku mẫu mực và được phân tích, thưởng thức đa chiều với không biết bao nhiêu giấy mực dành cho nó.
Không hiểu mối liên hệ nào xui dẫn để ta nghĩ đến bài thơ Con Cóc của dòng dân gian Việt Nam. Bởi hình thức cấu trúc thơ hay bởi hai con vật có nhiều nét tương đồng.
Con cóc nhẩy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhẩy đi.
Mới nghe ta dễ buồn cười về cái logic dễ dãi, ý tứ hời hợt cũng như vần điệu xộc xệch của nó. Chẳng thế mà người đời chê bai đến mức coi đây là mẫu mực của sự dở hơi, hết lời phỉ báng, dùng nó để ám chỉ những bài thơ không phải là thơ, “Thơ Con Cóc” !
Thật không công bằng. Hãy nhìn bài thơ dưới giác độ thơ Haiku mới nhận chân được giá trị đích thực của nó. Này nhé, ba hình ảnh độc lập rất sắc nét. Đó là ba trạng thái tồn tại của con cóc không hề có chút chờm lấn: nhẩy ra, ngồi đó và nhẩy đi ! Chúng lại “Ướp hương” nhau để tạo nên lộ trình đầy đủ của cóc. Điều thiết yếu của một phiến khúc Haiku thì bài thơ đã đạt tới mức xuất sắc ! Cóc nhẩy ra ắt phải nhẩy từ bên trong. Có thể là trong nhà nhưng thông thường hơn là trong hang, nhẩy từ chỗ tối đến nơi sáng hơn. Đấy chẳng phải là quy luật của cuộc sống ư ? Ra khỏi nơi tù túng rồi, phải xem mình đang ở đâu, có đáng lưu lại không chứ. Vậy hình ảnh thứ hai “Ngồi đó” chính là để suy tính, cân nhắc sự hơn thua trong cuộc tìm kiếm. Chắc hẳn cóc suy nghĩ lung lắm. Trong đầu biết bao phép tính cộng trừ nhân chia thậm chí cả lũy thừa khai căn, không loại trừ vi phân, tích phân…để tìm ra một quyết định. Người đọc hồi hộp chờ động thái tiếp theo cóc và ngạc nhiên đến mức ngỡ ngàng khi thấy cóc “Nhẩy đi” ! Sao vậy ? Chắc cóc không ưng ý cái vừa thấy được sau khi dời bóng tối rồi. Nhẩy đi, chẳng lẽ nào lại tìm đến chỗ tối hơn hang cũ ? Điều không nghi ngờ gì nữa, chỗ đến mới phải ưu việt hơn nghĩa là sáng hơn, phóng khoáng hơn,… , tự do hơn!
Thế đấy, một bài thơ Haiku tuyệt vời với ý tưởng vừa sâu vừa rộng mà bấy nay ta coi rẻ rúng thì ra là vậy. Không dám làm điều khập khiễng nhưng mạo muội nhìn khái quát hình ảnh Con Ếch và Con Cóc để biết thôi. Trong khi ếch từ ngoài nhẩy vào ao mà lại là cái ao cũ thì cóc của ta nhẩy ra và nhẩy đi. Hướng đi của con nào thoáng đãng hơn ? Cũng dễ hiểu thôi , vì cóc  là cậu Ông Trời kia mà ! Và cũng từ những điều đã nói, phải khảng định rằng thơ Haiku vốn đã có trên đất nước ta từ lẩu lâu rồi, có điều không định danh mà thôi .

Lý Viễn Giao

*Lời của Q lưu lại sau khi đọc:
Cảm ơn bác đã giúp nhìn ngắm BÀI THƠ CON CÓC qua lăng kính của Haiku,để trực ngộ cái thâm thúy giàu chất triết lý nhân sinh trong cái khung hình bình dị,rất dễ xao nhãng.Với sự tĩnh tâm và cái nhìn phóng chiếu xuyên suốt ngoại tướng để thẩm thấu,để lĩnh hội,mới chạm đến bản chất thâm viễn của nó.
Chúc bác an lạc!
(Nguồn: từ trang blog của bác Lý Viễn Giao)

2 nhận xét :

  1. Bài thơ Con Cóc của dòng thơ dân gian Việt Nam quá đỉnh!
    DVD xin bái phục!

    https://dsmedia.ign.com/ds/image/article/117/1174092/frogger-3d-20110608003626234-000.jpg

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỉ đạt đỉnh khi cái nhìn mới của bác LVG qua lăng kính Haiku,trước vẫn là sự nhạt nhẽo điển hình cho một bài thơ dở.
      Chúc DVD an vui !

      Xóa

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!