MỘT TIẾNG SÓNG TIỄN ĐƯA KIM CỔ
Trần Mạnh Hảo
(Trần Mạnh Hảo bình một câu thơ chữ Hán của Nguyễn Du viết về thời gian hay nhất trong lịch sử thi ca nhân loại)
Chúng tôi xin vô phép mượn câu thơ
tuyệt vời của Nguyễn Du trích trong bài thơ chữ Hán “Xuân dạ” : “Nhất phiến hàn
thanh tống cổ kim” để làm nhan đề bài viết của mình. Nguyễn Du mất năm Canh
Thìn 1820, vị chi đến tết Quý Mùi năm 2003 này là đúng 183 năm giỗ. Trong thiên
niên kỷ thứ hai giành và giữ độc lập dân tộc, phục hưng văn hóa Đại Việt, nếu
phải chọn một đỉnh cao nhất của văn học Việt Nam, chúng tôi không ngần ngại chọn
đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới, niềm tự hào của dân
tộc ta. Phải chăng, chính Nguyễn Du, bằng đại kiệt tác Truyện Kiều đã trở thành
“tiếng sóng lạnh” đoạn trường tiễn đưa cũ và mới, xưa và nay, tiễn đưa hư vô và
tồn tại, thậm chí đang cùng chúng ta tiễn đưa hai thời đại, hai thiên niên kỷ ?
Nguyễn Du chính là nỗi tiễn đưa
muôn năm không chỉ của văn học mà còn của chính đời sống, của buồn vui, còn mất,
sống chết, ấm lạnh, là giao thừa của tâm hồn con người lúc nào cũng phải đưa
đón, hợp tan một nỗi niềm nào đó, một bi thương nào đó. Nguyễn Du – hay là “Một
tiếng sóng lạnh” còn vỗ bên trời, phải chăng chính là niềm u hoài, trầm mặc, buồn
thương, hiu quạnh đã trở thành định mệnh ám ảnh xuyên suốt nghìn năm thân phận
con người trong văn học cha ông. Hai đỉnh núi u buồn cũng là hai vị tổ của thi
ca Việt Nam : Nguyễn Trãi, Nguyễn Du – hai đại buồn khúc chập chờn tiếp nối “đứt
thôi lại nối, thấp đà lại cao” của một nghìn năm văn học dân tộc.
Chúng ta mừng mùa xuân càng phải
quay nhìn lại nghìn năm “tiếng sóng lạnh” còn vỗ “ngoài thôn Nam Đài” dân tộc
mà thương, mà chia sẻ với cha ông nỗi sầu vạn kỷ, âu cũng là một nén hương tinh
thần thắp trước vong hồn tiền nhân. Trước khi vào hồn vía câu thơ, chúng tôi
xin chép lại bài “Xuân Dạ” của Nguyễn Du, (trang ï50 “Nguyễn Du toàn tập”, tập
1, NXB Văn Học, Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học 1996) :
“Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm
Tiểu song khai xứ liễu âm âm
Giang hồ bệnh đáo kinh thời cửu
Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm
Ky lữ đa niên đăng hạ lệ
Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm
Nam Đài thôn ngoại Long Giang thủy
Nhất phiến hàn thanh tống cổ câm
(kim)
Dịch nghĩa : Đêm Xuân
Đêm tối đen, tìm đâu ánh sáng mùa
xuân
Trước song cửa sổ mở chỉ thấy bóng
liễu âm u
Trong chốn giang hồ bệnh đến đã lâu
ngày
Mùa xuân theo mưa gió mà chìm trong
đêm sâu
Lâu năm làm khách xa nhà, lệ rơi dưới
đèn
Nghìn dặm nhớ quê, lòng gửi theo vầng
trăng
Nước sông Lam ở ngoài thôn Nam Đài
Một tiếng sóng lạnh tiễn đưa kim cổ
Bài thơ “Xuân dạ” rút trong “Thanh
hiên thi tập”, Nguyễn Du viết từ năm 1786 đến năm 1804 là những năm tao loạn,
bi hùng của lịch sử, đồng thời là những năm lưu lạc, long đong, lận đận, khốn
cùng nhất của nhà thơ về cả tinh thần lẫn vật chất. Nỗi đau buồn mất cha hòa với
nỗi buồn thương, tiếc nuối nhà Lê bị diệt, khiến Nguyễn Du phải lánh nạn về Quỳnh
Hải quê vợ. Nhà thơ bị dồn tới chân tường, như bị bỏ vào cái rọ nghèo khó và bế
tắc, như thể đôi mắt ông đã bị món nhọ nồi thế cuộc bôi trét một màu than đêm.
Cho dù mùa xuân có về, chim có hót, nắng có hửng, hoa có thơm thì với ông, vẫn
chỉ là cảnh “đêm trường dạ tối tăm trời đất”. Do vậy, trong bài thơ “Xuân dạ”
ta chỉ thấy “dạ”, thấy đêm mà không thấy “xuân” đâu ? Đêm đen quá tìm đâu ra
chút ánh sáng xuân. Đến khi mở cánh cửa sổ nhỏ ra nhòm, hình như thấy “liễu âm
âm”, liễu đấy mà không phải liễu, hay chính bóng đêm đặc lại, rủ xuống cõi âm u
mà thành liễu, thành tóc đêm?
Nhà thơ thấy mùa xuân trôi tuột
theo mưa gió, trút hết vào ruột đêm nỗi u sầu vạn thuở. Cũng như trong hai bài
thơ xuân khác trong “Thanh Hiên thi tập”, nhà thơ từng hỏi : “Xuân ở Quỳnh Hải
từ đâu lại – Quỳnh Hải xuân tòng hà xứ lai”, “Người cứ tiêu điều xuân vẫn tươi
đẹp – Đình mai dĩ hoán nhất niên xuân”. Trở lại bài thơ “Xuân dạ”, ta biết Nguyễn
Du đang đau ốm lâu ngày, lại trong thân phận chạy loạn, trốn đời, ăn nhờ ở đậu
bên nhà vợ ở một vùng quê hẻo lánh mù tăm tin tức, như thể ông bị lưu đầy trên
một hoang đảo, hay là chính ông đang bị mắc ngón tay số phận trong kẽ kẹt của
cánh cửa lịch sử ? Nỗi cô đơn thấm vào ông, loang tới cả vầng trăng, theo kiểu
Lý Bạch : “Ngẩng đầu ngắm trăng sáng / Cúi đầu nhớ cố hương – Cử đầu vọng minh
nguyệt / Đê đầu tư cố hương ” :
“Lâu năm làm khách xa nhà
– Ky lữ đa niên đăng hạ lệ
Nghìn dặm nhớ quê, lòng gởi theo vầng
trăng
– Gia hương thiên lý nguyệt trung
tâm”
Thương thay thời đại Nguyễn Du,
trăng có vằng vặc giữa trời, lòng có gởi theo trăng vạn dặm tới quê nhà thì trời
vẫn cứ là thăm thẳm tối, vẫn cứ như nỗi nhân tình thế thái đã tước đoạt đôi mắt
tâm hồn nhà thơ, thành trăng đó cũng trăng vô cảm mà suông cả một đời lữ thứ.
Lý Bạch xưa suốt một đời dùng trăng sáng để giải sầu mà không được. Cũng tội
cho vầng trăng, nhận bao nhiêu nỗi niềm bi hận của thi nhân mà vẫn cứ nằm trơ cổ
độ, vẫn cứ đơn độc một mình cất giấu hồn vía muộn phiền hết Lý Bạch đến Nguyễn
Du. Có lẽ nhờ vầng trăng chia xẻ, đưa đường cho hồn nhà thơ về lại bến Nam Đài
mà hậu thế được thưởng thức một câu thơ chữ Hán thuộc hàng hay nhất trong nền
thơ chữ Hán Việt Nam từ độ Lý Trần :
“Nước sông Lam ở ngoài thôn Nam Đài
– Nam Đài thôn ngoại Long Giang Thủy”
– Nam Đài thôn ngoại Long Giang Thủy”
Một tiếng sóng lạnh tiễn đưa kim cổ
– Nhất phiến hàn thanh tống cổ kim “
– Nhất phiến hàn thanh tống cổ kim “
Ta hãy hình dung Nguyễn Du nửa phần
ốm yếu, nửa phần chán đời, phẫn chí ngồi thui thủi như một cái hạt cô đơn trong
trái đêm khổng lồ “Xuân dạ”, chịu cơ hàn tận tỉnh Thái Bình, gửi hồn vía, gửi
đôi tai theo trăng về tận bến Nam Đài Nghi Xuân, lắng nghe từ vạn dặm tiếng
sóng sông Lam vỗ nức nở canh trường. Khói sóng từng nghi ngút suốt những dòng
sông thi ca Đường, Tống niềm cố quận, dâng tận trời xanh nỗi cảm hoài khôn
nguôi của muôn trùng sông lạnh. Tiếng sóng từng thao thức vỗ bạc đầu cha ông ta
suốt những đêm trường u uẩn, làm mất ngủ cả câu thơ còn tức tưởi sóng ngầm, đau
nỗi đau bị dìm trong sách vở, dìm cả tiếng kêu sông nước trong vần điệu : “Muôn
trùng khói sóng, một tấm lòng son – Yên ba vạn lý đan tâm thốn” (Nguyễn Phi
Khanh).
Nguyễn Trãi một mình ngồi suông, một
mình ngồi chật cả thời đại hẹp hòi hiềm khích, nghe sông nổi da gà hoang lạnh
khói hoàng hôn : “Ngùn ngụt sông lạnh chiều hôm nổi khói – Nhiễm nhiễm hàn
thanh khỉ mộ yên”. Thậm chí khi Ức Trai ngủ rồi, tiếng sóng vẫn không tha giấc
mộng, vẫn vỗ niềm xô dạt lưu lạc, làm lạnh toát cả niềm mơ : “Trên gối tiếng thủy
triều đập vào mộng nghe lạnh lùng – Chẩm thượng trào thanh nhập mộng hàn”. Cao
Bá quát sau này nhìn sông Nhị Hà cũng ớn lạnh nỗi xưa nay: “Quan hà lồng lộng gợi
lên bao ý nghĩ cổ kim – Hạo hạo quan hà kim cổ ý”.
Nguyễn Du ngồi tận Thái Bình mà
nghe được tiếng sóng trên sông Lam quê hương, một tiếng sóng tưởng vô tình mà
không vô tình, tưởng lạnh mà không lạnh, tưởng tống biệt mà không hề tống biệt
: “Nhất phiến hàn thanh tống cổ kim”. Ngay cả Đường thi cũng chưa chắc có một
câu thơ nào hay đến như vậy viết về tiếng sóng. Nguyễn Du cụ thể hóa, siêu hình
hóa, thi ca hóa, triết học hóa, tâm linh hóa, thiền thức hóa tiếng bước chân vô
định thời gian qua một nhát sóng lạnh. Con sóng vừa sinh ra đã bạc đầu, vừa kêu
lên, ới lên một tiếng như gọi đò, như kẻ chết đuối chợt nhô lên kêu cứu đã vội
chìm nghỉm, đã mất hút, đã tan ra ngay trong một sát- na.
Tiếng sóng ấy vừa khóc chào đời vừa
khóc lời vĩnh biệt thế gian. Nguyễn Du thân phận hóa mình vào con sóng lạnh bên
trời Nam Đài : sinh ra là để tiễn chính mình, tiễn cả cái chợt có chợt không,
tiễn cả hợp và tan cùng một lúc. Nhà thơ nghe tiếng sóng ấy trong thì hiện tại,
thực ra là một thì tống biệt. Cái ta tưởng hiện hữu, hiện thời đó thực ra đang
tự xé làm hai mảnh : quá vãng và vị lai. Thường tình, khi nhắc đến tiễn đưa, ta
thường nghĩ đến cái sắp qua, cái đã qua. Nhưng Nguyễn Du cảm nhận niềm đưa tiễn
ấy trong cả cái sắp tới. Bởi vì cái đang đến, sắp đến kia sẽ chỉ một giây thôi,
chưa kịp thành thực tại đã vụt biến ra quá khứ mất rồi. Ba thì của thời gian
trong tiếng sóng tâm linh Nguyễn Du sao giống kiếp người, vừa thực vừa không thực,
vừa hợp vừa tan, sinh mà diệt, diệt mà sinh. Nhà thơ thấy trong quả vị lai kia
đã có nhân quá khứ.
Tiếng sóng sinh ra là để đưa tiễn
chính mình cũng là để vừa tiễn cái “cổ”, vừa tiễn cái “kim”. Ôi chao, thân phận
tiếng sóng Nguyễn Du sao khắc nghiệt là vậy : vừa sinh ra đã hết thời, chưa kịp
thành “kim” đã hóa “cổ”, chưa kịp thành nhân đã vội vong thân. Tiếng sóng lấy
quá khứ làm tương lai, lấy cái đã thành làm cái sắp thành ? Chừng như với Nguyễn
Du, thời gian chẳng qua chỉ là một yếu tố ảo, ba thì là một, một là ba vừa có lại
vừa không. Nhưng tâm hồn ông, niềm thao thức với con người nơi ông còn vỗ mãi
trong lòng hậu thế những tiếng sóng vô cùng ấm lạnh của thi ca.
Chúng ta trong mùa xuân này rất nên
mượn câu thơ thần diệu Nguyễn Du “Nhất phiến hành thanh tống cổ kim” mà tiễn
đưa một năm cũ. Tiếng sóng lạnh Nguyễn Du chừng như đã, đang và sẽ còn vỗ làm bồn
chồn mọi cuộc tiễn đưa, dù là cuộc đưa tiễn của thiên nhiên hay của con người.
Thi ca nói cho cùng cũng chính là cuộc tiễn đưa của xúc cảm tâm hồn con người
thông qua ngôn từ vần điệu : chia tay với cồn cào này để nhận lấy một cồn cào
khác.
Chừng như Nguyễn Du chính là tiếng
kêu đoạn trường của con sóng thời gian, đang nghẹn ngào vỗ nên lời đưa tiễn cái
phút giây và cái nghìn năm về quá khứ ? Đồng thời, tiếng sóng thi ca “nhất phiến
hàn thanh ” ấy cũng đang tiễn hồn thơ ông về lại phía tương lai, phía con người.
Chừng như mỗi chúng ta cùng theo Nguyễn Du mà tiễn mình về muôn phía, đặng tiếp
tục tự vần vũ mình và vần vũ nhau như sóng bập bùng trên dòng sông sinh diệt.
Chúng tôi xin mượn câu thơ Ngô Thì Nhậm mà ngậm ngùi thương một tiếng sóng Nguyễn
Du, cũng là để làm lời tiễn đưa tiếng con sóng nhất thời về sông vĩnh cửu :
“Nước vốn không tiếng mà lại có tiếng
Vì ai mà kêu ầm ì mãi trên sông kia
Thủy bản vô thanh, khước hữu thanh
Tăng oanh giang thượng vị thùy
minh” .,.
T.M.H.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!