Thứ Hai, 2 tháng 12, 2024

TÂM CHƯA TỊNH -Thơ Nhất Hùng và Thơ Họa



tâm chưa tịnh

 

muốn tịnh khẩu mà có được đâu

ngứa tay lại hí hoáy vài câu

viết suy tư sẻ chia trăn trở

viết tự sự bày giải nỗi sầu

viết cảm tạ người gieo nghĩa nặng

viết tri ơn bạn gửi tình sâu

những toan treo bút, nhưng không đặng

chất chứa oán ân cũng nặng đầu

nhất hùng


Thơ họa vần:

 

XÓ QUÊ

 

Tĩnh lặng ao hồ, chẳng dễ đâu

Khi người ích kỷ mải mê câu

Bởi mong có được niềm riêng thỏa

Không ngại làm cho kẻ khác sầu

Mạch suối thanh lương dần nhiễm độc

Hố hầm gian trá cứ đào sâu

Xó quê cam phận miền heo hút

Lắm lúc tai bay chịu sứt đầu

Lý Đức Quỳnh

   11/11/2024

 

CÓ SAO ĐÂU

 

Cứ ngồi mà tịnh có sao đâu

Nghĩ vậy ngứa tai cũng thốt câu

Sẵn viết lay hoay cho tiện việc

Im liềm lại gợi tới cơn sầu

Lòng còn mang nặng chưa buông bỏ

Chút nỗi hơn thua đào hố sâu

Ác quái thời nay nhiều cảm dỗ

Sân si ái ố nhói đau đầu ..

 Yên Hà

2/12/2024

 

GÁC BÚT…

 

Thôi đừng viết nữa…chẳng hay đâu…!

“Làm nháp” thơ Đường…chỉ “tám câu”…!

Lẹ bút “gieo vần” bao nỗi khổ…

Nhanh tay “chọn chữ” bấy nhiêu sầu

Cám ơn thi sĩ “ Tâm Chưa Tịnh “

Đa tạ anh em “ Ý Chẳng Sâu “…!

Gác kiếm rữa tay mà chẳng đặng…!

Niềm riêng hổn độn cũng đau đầu…

MAI XUÂN THANH

Silicone Valley December 01, 2024

 

TIẾT ĐỘ

 

Đừng nên chấp nhặt, chẳng hơi đâu!

Đối đáp vào tròng cá cắn câu.

Nhẫn nhục khoan hòa không rắc rối

Kiệm lời rộng lượng chẳng âu sầu

Dần dà giao thiệp càng thân mật,

Thủng thẳng tương quan lại đậm sâu.

Gặp mặt nhìn nhau còn lắm dịp,

Dẫu lùi vài bước bớt đau dầu.

Đỗ Quang Vinh

  02-12-2024

 

THẦY THÍCH MINH TUỆ

 

Minh Tuệ sư thầy bước tới đâu

Chân trần áo vá niệm thầm câu

Con đường định giới chôn lìa khổ

Trí huệ hành tu bỏ diệt sầu

Xa lánh công danh tìm núi ẩn

Buông rời phố thị kiếm rừng sâu

Tam tàng kinh điển làm nền chốt

Phật pháp trì theo nhẹ hẫng đầu

     Minh Thúy Thành Nội

Tháng 12/2/2024

 

TÂM CỨ ĐỘNG

 

Tâm tư cứ động có sao đâu?

Phật pháp sống theo đủ sáu câu:

Động tánh từ bi lìa nghiệp khổ

Động tình đoạn hoặc phá thành sầu (*)

Sống đời cư sĩ tri hành tốt

Sống đạo Bụt nhà mẫn tuệ sâu

Nhân loại tồn sinh hằng sống động

Chỉ khi Thiền tọa tịnh tâm đầu?

(Phan Thượng Hải)

12/2/24

(*) Chú thích: Đoạn Hoặc = đoạn diệt 3 mê hoặc (Tham, Sân, Mạn).

Xin gửi lại bài cũ để ủng hộ cho bài họa: 


 PHẬT GIÁO DẠY TÂM ĐỘNG HAY TÂM TỊNH 

(Bs Phan Thượng Hải)

 

Từ giáo lý Giác ngộ, Tâm thức Giác ngộ là Tâm thức Đoạn Hoặc và Từ Bi

Đoạn Hoặc = Đoạn diệt Mê hoặc.  Có 3 Mê hoặc (Hoặc) là Tham dục (Tham muốn), Sân và Mạn.

Giác ngộ tức là không còn hay "đoạn diệt" Vô minh (= Si).  Tâm thức Giác ngộ đồng nghĩa với Tâm thức đoạn diệt Si (= Vô minh).  Do đó đoạn diệt Si là Giác ngộ (là Đoạn Hoặc gồm Tham Sân Mạn và Từ Bi).  

  

Theo Thiền Tông, Tâm thức là hoạt động của Tâm:

         Tâm thức hoạt động từ hiện tượng của sự vật từ cảm giác (sensation), tri giác (perception) cho đến cuối cùng là nhận thức (cognition) để có ý thức (consciousness).  

         Tâm thức hoạt động về hiện tượng của sự vật là tư tưởng hay tư duy (thought) gồm có lý trí và tình cảm (affection, sentiment).  Lý trí gồm có suy nghĩ (thinking) và suy luận (reason).  Từ ý thức hiểu biết về sự vật tâm thức mới có tư tưởng về sự vật, đó là ý kiến (view, idea).  

 

Pháp Bảo Đàn kinh viết về tâm thức (hoạt động của tâm) và sự vật:  

         Một ngày kia (Lục tổ Huệ Năng) ra chùa Pháp Tánh (ở Quảng Châu) gặp Pháp sư Ấn Tông.  Có hai vị tăng tranh luận về nghĩa “gió và phướn (một loại cờ)”; kẻ nói gió động người nói phướn động, tranh cãi không ngừng.  Huệ Năng chen vào nói: “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, mà tâm các ông động”.  Cả chúng (mọi người) đều ngạc nhiên.

 

Do đó:

         Tâm thức là hoạt động của Tâm đối với Sự vật do đó Tâm thức thì "động" (moving) chứ không bắt buộc phải "tịnh" hay "tĩnh" (not moving) cho dù Tâm thức Giác ngộ hay vô minh.  Tâm thức không bám chặt và ràng buộc (không sở trụ) vào Sự vật nhưng Tâm thức của Con người vẫn luôn ở trạng thái hoạt động (= trạng thái "động") đối với Sự vật bên ngoài.  Từ ngữ "Tịnh" trong Tâm "An tịnh" có nghĩa là "trong sạch" (pure).

         Không có đoạn diệt tất cả Tư tưởng (gồm Tình cảm và Lý trí).  Thiền Tông không đồng ý với đoạn diệt tư tưởng như Duy Thức Phái; vì Duy Thức Phái cho rằng Tư tưởng (Mạt Na thức) là nguồn gốc của chấp ngã và tự ngã nên phải đoạn diệt.

         Đoạn Hoặc và Từ Bi chỉ thuộc về Tình cảm trong Tâm thức của Con người mà thôi.  Tâm thức của Con người tự do trong các hoạt động khác của Tâm thức như cảm giác (sensation), tri giác (perception), nhận thức (cognition), lý trí và kể cả những hoạt động khác của tình cảm.  Con người vẫn có Tình cảm chứ không Vô tình (và Diệt dục).

 

Pháp Bảo Đàn kinh viết (trang 88-89) về "Không đoạn diệt Tư tưởng":

Có vị Tăng đem bài Kệ của Ngọa Luân Thiền sư lập lại với Sư (Huệ Năng):

 

         Ngọa Luân hữu kỹ lưỡng             Ngọa Luân có kỹ lưỡng

         Năng đoạn bá tư tưởng               Dứt được trăm tư tưởng

         Đối cảnh Tâm bất khởi                Đối cảnh Tâm chẳng khởi

         Bồ Đề nhựt nhựt trưởng              Bồ Đề ngày ngày (tăng) trưởng (*)

         (Ngọa Luân)                                 (Dịch)

 

Sư (Huệ Năng) nghe xong nói: “Bài Kệ nầy chưa rõ Tâm địa, nếu theo đó mà tu hành thì lại thêm trói buộc”.  Do đó Sư khai thị một bài Kệ:

 

         Huệ Năng một kỹ lưỡng                 Huệ Năng không kỹ lưỡng

         Bất đoạn bá tư tưởng                    Chẳng dứt trăm tư tưởng

         Đối cảnh Tâm sổ khởi                    Đối cảnh Tâm cứ khởi

         Bồ Đề tác ma trưởng.                     Bồ Đề làm sao (tăng) trưởng. (*)

         (Huệ Năng)                                     (Dịch)

 

Chú thích: Bồ đề đồng nghĩa với giác ngộ.  Tư tưởng gồm có lý trí và tình cảm.

 

Một công án trong Thiền Luận (quyển Trung, trang 118) viết về "Vô tình":

         Một giảng sư kinh Hoa Nghiêm đến tìm Huệ Hải và hỏi: “Bẩm, Thầy tin rằng hết thảy các loài Vô Tình đều là Phật?

         Đáp: “Không, tôi không tin vậy.  Nếu các loài vô tình đều là Phật, các loài đang sống khác nào đã chết.  Khỉ chết, chó chết còn hơn loài người đang sống.  Chúng ta đọc Kinh thấy nói Phật thân không khác Pháp thân (Dharmakàya) vốn do Giới (Sila), Định (Dhyàna) và Tuệ (Prajna) mà sinh; do các phước đức mà sinh.  Nếu các loài vô tình đều là Phật, thưa Đại Đức, ngay lúc nầy tốt hơn hãy chết đi mà thành Phật”.

 

Từ giáo lý Giác ngộ, Tâm thức Giác ngộ là Tâm thức Đoạn Hoặc và Từ Bi

Đoạn Hoặc = Đoạn diệt Mê hoặc.  Có 3 Mê hoặc (Hoặc) là Tham dục (Tham muốn), Sân và Mạn.

Theo đúng từ ngữ, Đoạn diệt Tham dục (Tham muốn) chứ không Đoạn diệt Dục (= diệt dục).  

Đoạn diệt Tham dục = không tham lam ích kỷ (self-centered greed): 

         = không "tham dục" (tham muốn) riêng cho mình 

         = có "dục" (muốn hay ham muốn) nhưng không "tham" cái "dục" (muốn hay ham muốn) cho riêng mình

         = không "dục" (muốn hay ham muốn) cho riêng mình; một cách vô độ hay quá khao khát mãnh liệt không cưỡng lại được hay trói buộc ham muốn (= dục) lâu dài vào một đối tượng.

 

Đó là điều hợp lý vì nếu mọi người đều "không muốn" gì hết thì làm sao nhân loại tồn sinh và tiến bộ được. 

         

Dục = Muốn, ham = Desire

Tham dục = Tham muốn = Craving, Strong desire.

Tham = Greed = Tham dục.

 

THAM MUỐN

Sống đời có muốn chớ đừng tham

Tham muốn nghĩa là có ý tham

Muốn hợp theo tài nên lập chí

Muốn thành quá độ cứ còn tham

Muốn tâm sân mạn, tâm không chánh

Muốn dạ từ bi, dạ chẳng tham

Muốn được tồn sinh khi tuyệt vọng

Nguyện cầu, tận lực, há là tham?

(Phan Thượng Hải)

4/18/22

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn 

 

Bài này là trích đoạn từ bài "Căn Bản Phật Pháp - Giác Ngộ và Thiền Định của Thiền Tông" (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phanthuonghai.com


TÂM VỌNG.

 

Hỏi “ Tâm Chưa Tịnh “ khi nào đâu

Đứng cuối sông, hay giữa biển câu

Nắng rớt trên vai, mây thả nổi

Mưa rơi trước mặt, gió buông sầu

Chắc là bát ngát niềm thương rộng

Hay lại thênh thang nỗi nhớ sâu

Thì vẫn mênh mông hồn bất định

Làm sao yên được  chuyện đau dầu …

Rancho Palos Verdes  4 - 12 - 2024

CAO MỴ NHÂN

 

MỞ RỘNG TÂM RA.

 

Mở rộng Tâm ra có dễ đâu?...

Con người ích kỷ nhữ mồi câu.

Mong sao lợi lạc riêng mình hưởng,

Chẳng đoái hoài ai mang khổ sầu...

Gian xảo hại người Tâm ác độc,

Thật thà bị thiệt thãm thê sâu...

Người Hiền cam chịu nhiều chua xót,

Nhân quả Luân hồi có biết đâu?...

Mỹ Nga

  05/12/2024  A6L, 05/11/Giáp Thìn.

 

CHẲNG PHÍ CÔNG

 

Đêm nằm trở giấc chuyện gì đâu

Lỡn vởn nào bao đắng ngọt sầu

Thức dậy loay hoay tìm tập vở

Đứng ngồi thủng thẳng chuốt từ câu

Dăm vần cảm đã xong phần mở

Bấy khổ nhường e thuận tâm đầu

Nhẫm đọc đôi lần nghe thấy sảng

Đâu ngờ thi ý đậm đà sâu…

Mai Vân –VTT

   10/12/24.

 

4 nhận xét :

  1. Ồ, ao hồ vùng anh Quỳnh cư trú bị câu tặc phá hoại sao?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn ĐV đã ghé thăm.
      Nhân chuyện "câu tặc" để nói đến lòng tham của con người cúng với lối sống vị kỷ thường mang tai họa đến cho người khác, dù họ đã lánh xa chốn đua tranh, mong tìm sự yên ổn nơi xó quê.

      Xóa
  2. CHẲNG PHÍ CÔNG

    Thơ họa:
    Đêm nằm trở giấc chuyện gì đâu
    Lỡn vởn nào bao đắng ngọt sầu
    Thức dậy loay hoay tìm tập vở
    Đứng ngồi thủng thẳng chuốt từ câu
    Dăm vần cảm đã xong phần mở
    Bấy khổ nhường e thuận tâm đầu
    Nhẫm đọc đôi lần nghe thấy sảng
    Đâu ngờ thi ý đậm đà sâu…
    Mai Vân -VTT, 10/12/24.

    Trả lờiXóa

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!