Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

CÔ TÂY ĐI TU -Thơ Trần Tế Xương và Thơ Cẩn Họa



CÔ TÂY ĐI TU

 

Giựt cái mề đay ném xuống sông

Thôi thôi tôi cũng mét xì ông

Âu đành chùa đó âu đành bụt

Cũng chẳng con chi cũng chẳng chồng

Chớ thấy câu kinh mà mặc kệ

Ai ngờ chữ sắc hoá ra không

Tôi đây cũng muốn như cô nhỉ

Cái nợ trần duyên gỡ chửa xong

 Trần Tế Xương

(trích trong VĂN ĐÀN BẢO GIÁM trang 49)


Kính Hoạ:

 

TỰA HƯ KHÔNG

 

Rắc hũ tro hài bụi trắng sông

Chẳng còn vương vấn thanh kiêu ông

Thảo am ngày tháng vui cùng bóng

Biệt phủ hôm nay gửi lại chồng

Phú quý mà chi như điện chớp

Giàu sang rồi cũng tựa hư không

Cuộc đời sao tránh vòng sanh/tử?

Hơi thở chia lìa… nợ trả xong

Kiều Mộng Hà

 May28.2024

 

LỠ THÌ LÀM LẺ

 

Mưa nắng lỡ thì dãi bến sông

Thôi đành phận lẻ tựa nương ông

Ừ, danh với nghĩa nhà nên cửa

Cũng tiếng cùng tăm gái có chồng

Cứ tưởng ngàn vàng dần kết thắm

Đâu ngờ chút bạc vội thành không

Cùng đường níu phải thằng đê tiện

Nợ bám thân đời gỡ chẳng xong…

Lý Đức Quỳnh

   30/5/2024


QUÀNG

 

Như chiếc thuyền tình lạc bến sông

Giữa dòng trôi giạt kiếm tìm ông

Đời luân lưu mãi trên làn sóng

Phận giữ chưa yên ở tấm chồng

Bởi túng cho nên quàng lấy có

Vì liều do đó lại hoàn không

Thôi thì bỏ hết duyên cùng nợ

Thân gởi cửa thiền thế mới xong.

2024-05-30

   Võ Ngô

 

NỰC CƯỜI

( Xin phép cẩn họa “Cô Tây Đi Tu” - Trần Tế Xương )

 

Hạ trắng đầm Tây xuống tắm sông

“Mét xì” mũi lỏ bọn đàn ông

Trông mòn con mắt, ôi kiều nữ…!

Thấy rõ hồng nhan, lọ tấm chồng…!

Lỡ phận thân ngà, thôi cũng kệ

Tùy duyên má phấn có hư không

Ai rình trộm ngắm tình yêu nhỉ (?)

Một chút hương thừa…tắt thở xong…!

      MAI XUÂN THANH

Silicone Valley, May 29, 2024

 

KIẾP CÔ ĐƠN

 

Bao năm thuyền tấp bến bờ sông,

Đợi mãi đến giờ chẳng bóng ông.

Cô độc lỡ duyên vùi tụng niệm,

Phòng không chiếc bóng nói chi chồng!

Thẩn thờ cõi thế tìm kinh kệ,

Kinh ngạc đường tình hóa số không.

Số mạng định phần cam chịu nhận,

Tâm bình phủi sạch nợ cho xong!

                         *

Chiều trưa sáng tối một mình không!

HỒ NGUYỄN

 (31-5-2024)

 

SỤP ĐỔ

 

Cơ đồ đất NƯỚC đắm lòng SÔNG,

Bỗng chốc ra THẰNG hết gọi ÔNG.

Quặt quẹo thân gầy CON mất BỐ,

Mỏi mòn lẻ bóng VỢ trông CHỒNG.

Thường tin vẫn SỐNG ai ngờ CHẾT,

Vẫn tưởng là CÒN họ bảo KHÔNG.

Sắp chết sao còn THƠ với THẨN?

Để cho thuyền nát HẾT là XONG!

Đỗ Quang Vinh

   06/1/2024


MƯỜI HAI BẾN NƯỚC

 

Nước BIỂN tràn bờ mặn nhánh SÔNG

TÔI đành trong đục tựa nương ÔNG

TÌNH tròn vẹn NGHĨA tình đôi lứa

NỢ đủ đầy DUYÊN nợ vợ chồng

CÓ phước an nhàn đời vẫn ĐƯỢC

CHẲNG phần cực khổ phận luôn KHÔNG

Niềm VUI hạnh phúc MỪNG an lạc

Hết giận RỒI thương thế cũng XONG

ThanhSong ntkp

CA.June/2nd/2024

 

TÂY NỮ XUỐNG TÓC

 

Coi kìa Tây nữ ở bên sông

Xuống tóc cứ như sư cụ ông

Không biết hận tình gì chị gái

Hay là buồn chuyện chi ông chồng

Cửa chùa nhộn nhịp câu kinh kệ

Sân miếu âm u dấu sắc không

Chẳng lẽ vì trong nhà lục đục

Cạo đầu tu hú thế là xong

Toàn Như

 

TU CHI UỔNG !

 

Sẳn xuồng để tớ rước qua sông

Đời hãy còn nhiều lắm quí ông

Chuối sứ chuối cao đều cũng chuối

Chồng Tây chồng Việt vẫn là chồng

Vốn kia đừng để không quên có

Của nọ hổng xài có hóa không

Thôi hãy quên đi thằng mũi lõ

Xuống xuồng cho tớ rước là xong .

LHN

 

DUYÊN LÀNH

 

Cô nàng vấp ngã té bờ sông

Người đứng bên kia một lão ông

Liếc mắt nước trong trôi hụp lặn

Thương cho ả nọ đứng trông chồng

Gió mùa đưa đẩy sa chân bước

Bão tố tứ bề trở lại không

Trắc trở cuộc đời sao tránh khỏi

Duyên lành kiếp nạn thổi bay xong …

 Yên Hà

2/6/2024

 

*** 

Kính mời tham khảo:

BÀN VỀ HAI BÀI THƠ CỦA TÚ XƯƠNG

Bs Phan Thượng Hải biên soạn

Ông Tú Xương (tên thật là Trần Tế Xương) có 2 bài thơ rất phổ thông và rất được ưa chuộng. Tuy nhiên ngày nay ông bị mất tác quyền của 1 bài thơ và bài thơ kia đã từ lâu được phổ biến thiếu 3 câu cuối.

Bài thơ “Cô Tây Đi Tu” của Tú Xương

Trước năm 1975, trong văn học Miền Nam đã có bài thơ “Cô Tây Đi Tu” của Tú Xương được truyền tụng và rất được ưa chuộng trong quần chúng Miền Nam. Sách giáo khoa cũng dạy học sinh trung học. Có 2 bản của bài thơ.

- Bản 1 (có trong sách giáo khoa VNCH)

CÔ TÂY ĐI TU

Tháo nhẫn ma dê liệng xuống sông

Thôi thôi tôi cũng mét xì ông

Âu đành chùa đó âu đành Bụt

Cũng chẳng con chi cũng chẳng chồng

Chớ thấy câu kinh mà mặc kệ

Ai ngờ chữ sắc hóa ra không

Tôi đây cũng muốn như cô vậy

Nhưng nợ trần duyên giũ chửa xong.

(Tú Xương)

Chú thích:

Ma dê: âm từ tiếng Pháp là "Mariée" (có nghĩa là Kết hôn).

Mét xì: âm từ tiếng Pháp là "Merci" (có nghĩa là Cám ơn).

- Bản 2 (có trong Văn Đàn Bảo Giám):

CÔ TÂY ĐI TU

Giựt cái mề đay ném xuống sông

Thôi thôi tôi cũng mét xì ông

Âu đành chùa đó âu đành bụt

Cũng chẳng con chi cũng chẳng chồng

Chớ thấy câu kinh mà mặc kệ

Ai ngờ chữ sắc hóa ra không

Tôi đây cũng muốn như cô nhỉ

Cái nợ trần duyên gỡ chửa xong.

(Tú Xương)

Chú thích: Mề đay: âm từ tiếng Pháp là “Médaille” (có nghĩa là Huy chương).

 

Sau ngày 30-4-1975, bài thơ được phổ biến qua sách báo của nhà nước như sau:

Rứt cái mề đay ném xuống sông

Thôi thôi tôi cũng mét xì ông!

Âu đành chùa đó, âu đành bụt

Cũng chẳng con chi, cũng chẳng chồng

Chớ thấy câu kinh mà mặc kệ

Nào ngờ chữ sắc hóa ra không!

Tôi đây cũng muốn như cô vậy

Ngặt nợ trần gian giũ chửa xong.

(Tú Xương)

Đến ngày 31-12-2018, Trang Thơ Thi Viện đăng bài thơ trong Trang Thơ của Phạm Ứng Thuần với những chú thích.

GIỄU CÔ ME TÂY LẬP ĐỀN THỜ

Rứt cái mề đay ném xuống sông,

Thôi thôi moa cũng mét xì ông!

Âu đành chùa đó, âu đành bụt,

Cũng chẳng con chi, cũng chẳng chồng.

Chớ thấy câu kinh mà mặc kệ…

Nào ngờ chữ sắc hóa ra không!

Tôi đây cũng muốn như cô vậy,

Trót nợ trần hoàn gỡ chửa xong.

(Hiếu Khanh Phạm Ứng Thuần)

Đây là chú thích của Trang Thơ Thi Viện:

Ở Nam Định có một cô me Tây gá nghĩa cùng viên công sứ Pháp, nhân có giúp công vào việc chẩn tế nạn lụt năm Bính Ngọ (1906) nên được công sứ tư thưởng kim tiền. Khi công sứ về Pháp, cô ở lại trong cảnh cô liêu, vốn có tính đồng bóng, nên lập điện ở chùa Phù Long để sớm khuya hầu thánh cho giải sầu. Hiếu Khanh diễu bằng bài thơ này.

Có sách cho tác giả bài thơ này là của Tú Xương, song Tú Xương qua đời năm Bính Ngọ,mà nếu thông tin ở trên là chính xác thì việc lập điện được thực hiện vào mấy năm sau.

Trang Thơ Phạm Ứng Thuần trong Thi Viện cũng đăng tiểu sử của Phạm Ứng Thuần, một người vô danh và chỉ có 1 bài thơ nầy mà thôi là được truyền tụng!

Phạm Ứng Thuần (1885 - ?) còn gọi là Cả Thuần tự là Hiếu Khanh. Ông sinh ra ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông chuyên về thi ca quốc văn nhất là thể loại phúng thích (?).

Như vậy ông Phạm Ứng Thuần này là người cùng làng với Tú Xương (làng Vị Xuyên).

Thế là Tú Xương không còn là tác giả của bài nầy nữa. Đó là một điều rất nhiều người không đồng ý với Google Trang Thơ Thi Viện. “Cô Tây Đi Tu” chớ “Cô Tây" đâu cần phải lập điện thờ mới có Thơ được?

Nhìn lại quá khứ trong thời Pháp Thuộc, Phụ Nữ Tân Văn số 42 (trong thập niên 1930) thì có viết một bài về bài thơ này của Tú Xương. Bài viết của một người tên là Phạm Tường Hưng ở Hải Dương, tự xưng là sinh cùng quê với Tú Xương.

Đây là nguyên văn của bài viết:

Ông Tú Xương gặp một người vợ Tây cùng đi với một tớ gái trong một chuyến tàu thủy đi Hải Phòng.

Ông hỏi:

-Bà chị ra Hải Phòng chơi à?

Cô nói:

-Em đi tiễn chưn ông chủ em về Tây buôn bán.

Ông Tú hỏi:

-Rồi bà chị lại cũng trở về Nam buôn bán chớ?

Cô đáp:

-Không, em sẽ coi có nơi nào am thanh cảnh vắng, em đi tu, chẳng tưởng sự đời làm gì nữa, nay nhơn gặp ông đây, xin ông vịnh cho em một bà tả cảnh chơi.

Tức thì ông ngâm rằng:

Tháo nhẫn ma dê liệng xuống sông

Thôi thôi tôi cũng mét xì ông

Âu đành sư nọ âu đành tiểu

Cũng chẳng con chi cũng chẳng chồng

Chớ thấy câu kinh mà mặc kệ

Nào ngờ chữ sắc hóa ra không

Tôi nay cũng muốn như cô vậy

Nhưng nợ trần duyên dũ chửa xong.

* Kết luận

Dù trải qua thăng trầm, bài thơ của Tú Xương vẫn tồn tại là của ông, với tựa đề “Cô Tây Đi Tu” và có nội dung thường được biết trong thời VNCH:

CÔ TÂY ĐI TU

Tháo nhẫn ma dê liệng xuống sông

Thôi thôi tôi cũng mét xì ông

Âu đành chùa đó âu đành Bụt

Cũng chẳng con chi cũng chẳng chồng

Chớ thấy câu kinh mà mặc kệ

Ai ngờ chữ sắc hóa ra không

Tôi đây cũng muốn như cô vậy

Nhưng nợ trần duyên giũ chửa xong.

(Tú Xương)

Đây chỉ đơn giản là tả chuyện một “Cô Tây” (Bà Đầm) không ở với ông chồng Tây (Pháp) nữa mà đi tu. Do đó không cần phải “lập điện” trong câu chuyện như trường hợp của ông Phạm Ứng Thuần và cũng không cần phải “Rứt cái mề đai ném xuống sông” như trong bản của Văn Đàn Bảo Giám vì đó là điều vô lý. Vô lý là vì lấy ông Tây thì có “nhẫn ma dê” chớ làm gì có “mề đai”!

Chưa kể là ông Phạm Ứng Thuần này là hậu sinh cùng quê ở Vị Xuyên với Tú Xương nên chỉ cần mượn bài thơ của tiền bối mà chỉ cần sửa vài chữ?

 

Bài thơ “Sông Lấp” của Tú Xương

Ông Trần Tế Xương (1870-1907), còn gọi là Tú Xương vì ông đậu Tú tài Hán học, là ngườilàng Vị Xuyên, Mỹ Lộc, Nam Định (cùng làng Vị Xuyên với Tam Nguyên Trần Bích San). VịXuyên và Vị Hoàng nay là 2 phường cạnh nhau ở Tp Nam Định (diện tích tổng cộng 1 km2) là nơi có sông Vị Hoàng (1 phụ lưu của sông Hồng) sau nầy bị lấp vào cuối thế kỷ 19 (nên còn gọi là sông Lấp).

Ông Trần Tế Xương có bài thơ Lục Bát được truyền tụng rộng rãi trong Văn Học Sử:

SÔNG LẤP

Sông kia rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng (ngỡ) tiếng ai gọi đò.

(Trần Tế Xương)

Thật ra bài thơ có thêm 3 câu nữa khi đăng lần đầu trong Nam Phong Tạp Chí:

HÁT SÔNG LẤP NAM ĐỊNH

Sông kia rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa chỗ làm ngô khoai

Đêm nghe tiếng ếch bên tai

Dật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò

Việc đời nghĩ đến mà lo

Giầu sang có phận đói no có trời

Ai ơi chơi kẻo già đời.

(Tú Tài Trần Kế Xương / Tú Xương)

Nam Định Vũ Xuân Trác sao lục

Nam Phong tạp chí số 33

Nam Phong Tạp Chí số 33 đăng bài thơ nầy lần đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ với tựa đề “Hát Sông Lấp Nam Định” thì lại có thêm 3 câu cuối.

Lý do là 1 trang báo khi xưa có 2 cột.

Đây là hình chụp nguyên bản trên Nam Phong tạp chí:

Bài viết bắt đầu từ cột bên trái, khi tới cuối cột nầy (ở cuối trang) thì nối tiếp bằng cột bên phải ở đầu trang. Hậu thế chép lại bài nầy chỉ chép cỏ 4 câu ở cột bên trái (tới cuối trang) mà quên chép tiếp 3 câu cuối của bài thơ ở cột bên phải (ở đầu trang).

Do đó nguyên văn bản chánh và tựa đề của bài thơ:

HÁT SÔNG LẤP NAM ĐỊNH

Sông kia rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa chỗ làm ngô khoai

Đêm nghe tiếng ếch bên tai

Dật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò

Việc đời nghĩ đến mà lo

Giầu sang có phận đói no có trời

Ai ơi chơi kẻo già đời.

(Tú Tài Trần Kế Xương / Tú Xương)

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

Bài này là trích đoạn từ bài “Giám Định Thi Văn” (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phantuonghai.com


2 nhận xét :

  1. Đây là lần đầu tui đọc được bài thơ nầy của ông Tú Xương vì trong chương trình trung học hồi trước hình như hổng có bài nầy , hoặc là có mà tui hổng biết . Bài viết của ông Phan Thượng Hải rất thú vị . Phần cá nhân tui thì thấy như vầy :

    - Cái tựa Cô Tây Đi Tu không hợp lý . Vì nhân vật chánh là người Việt chớ đâu phải người Pháp mà kêu Cô Tây . Hơn nữa nếu kêu người đàn bà Pháp thì phải kêu đúng là Cô Đầm . Còn chữ Tây là dành cho đàn ông . Như vậy , theo tui , cái tựa bài thơ phải là Me Tây Đi Tu mới hợp lý .
    - Hai chữ "mề đai" ở câu đầu cũng không hợp lý . Dù là vợ quan Tây thì cũng đâu có mề đai đâu mà quăng . Hai chữ Ma Dê , nhẫn cưới , rất hợp lý .
    - Là cô Me Tây thì chắc không phải là người ưa thích thơ văn . Cổ chỉ tình cờ gặp ông Tú Xương thì cổ có biết ổng là ai đâu mà xin tặng bài thơ . Lý do để ông Tú Xương làm bài thơ nầy không hợp lý .
    - Rồi ông Tú Xương mần liền tại chỗ bài thơ nầy để tặng cô Me Tây theo kiểu xuất khẩu thành thi . Chuyện nầy tui thấy cũng hổng hợp lý . Vì để làm một bài thơ Đường luật thì tác giả phải tìm ý , chọn vần , kiếm chữ mà khó nhứt là hai cặp đối . Làm sao có thể xuất khẩu mà thành thi ra liền bài thơ tại chỗ được . Tui không tin có chuyện xuất khẩu thành thi , nhứt là thành thơ Đường luật . Ví vụ như bài thơ mấy con rắn của ông Lê Quý Đôn , làm sao mà xuất khẩu ra liền được . Nếu có tài xuất khẩu thành thi được thì mấy ông "thánh thơ" như Lê Quý Đôn , Tú Xương...chắc chắn phải có mỗi người một cái thư viện bự chảng để chứa mấy chục ngàn cuốn sách thơ rồi . Vì trong suốt cuộc đời thì hàng ngày thiếu gì chuyện xảy ra để mấy thánh xuất khẩu ra thơ .

    Dù sao thì bài thơ Cô Tây Đi Tu rất thú vị và rất hây , nhứt là hai cặp đối . Chữ KỆ trong câu "Chớ thấy câu kinh mà mặc kệ" rất thú vị khi ghép thành "mặc kệ" vì "mặc kệ" mà hổng phải là "mặc kệ" .
    ===
    LHN xin góp bài họa .

    Tu Chi Uổng !
    Sẳn xuồng để tớ rước qua sông
    Đời hãy còn nhiều lắm quí ông
    Chuối sứ chuối cao đều cũng chuối
    Chồng Tây chồng Việt vẫn là chồng
    Vốn kia đừng để không quên có
    Của nọ hổng xài có hóa không
    Thôi hãy quên đi thằng mũi lõ
    Xuống xuồng cho tớ rước là xong .
    LHN


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn ý kiến của anh LHN.
      Kính chúc Anh sức khỏe, an vui.

      Xóa

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!