Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2023

SÔNG NƯỚC ĐỒNG NAI -Thơ Duy Anh và Thơ Họa



SÔNG NƯỚC ĐỒNG NAI

 

Sông nước Đồng-Nai cảnh hữu tình

Đôi bờ dải lụa, nắng lung linh.

Ruộng nương bát ngát mơn mùa mượt

Vườn tược sum suê mởn trái xinh.

Thuyền nọ giăng tôm khi rạng sáng

Nàng kia chở cúc lúc bình minh.

Áo bà ba tím, nghiêng vành nón

Mộc mạc chân quê đẹp dáng hình!...

DUY ANH

12/06/2023


Thơ Họa:

 

CẢM TẠ ĐỒNG NAI

 

Cảm tạ Đồng Nai sống đượm tình

Cỏ bồng tôi dạt thuở điêu linh

Xuân Trường thấu lẽ đời nhân ái

Xuân Lộc gieo mầm nghĩa đẹp xinh

Dẫu khổ, dưới trên gìn chánh trực

Dù nghèo, sau trước giữ phân minh

Chân thành, giản dị như hồn đất

Thiện…ở trong tâm, mỹ…ngoại hình.

Lý Đức Quỳnh

   9/12/2023

*Quỳnh sinh ra ở Thừa Thiên-Huế, tháng 5/1977, lao động ở công trường thủy lợi Nam sông Hương về, cùng gia đình đi ”Kinh tế mới tự túc” ở Giồng Riềng, Kiên Giang. Đến 1982 lại di chuyển lên ở xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho đến nay.


BỨC HỌA ĐỒNG QUÊ.

 

Gia Định - Đồng Nai thắm mối tình

Một giòng nước ngọt giúp nhân linh

Miền Nam sung túc người vui vẻ

Ruộng lúa phì nhiêu cảnh mượt xinh

Châu Đốc chùa Bà dâng lễ tối

Cần Thơ xe chuyến đợi trời minh

Xa trông thấp thoáng thuyền giăng lưới

Thiếu nữ hồn nhiên đứng hoạ hình.

      LAN.

(10/12/2023).

 

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

 

Cửu Long, vùng đất ngập ân tình

Khí hậu ôn hòa với địa linh

Ruộng lúa phì nhiêu, mùa chín trĩu

Rẫy vườn bát ngát, trái tươi xinh

Mơ màng chùa miếu in vầng nguyệt

Lấp lánh sông ngòi rực ánh minh

Chơn chất, dân lành vui cuộc sống

Gái trai khỏe khoắn, đẹp thân hình.

  Sông Thu

( 10/12/2023 )

 

SÔNG NƯỚC ĐỒNG NAI

          

Đồng Nai sông nước đượm chân tình,

Đất cũ Biên Hoà rất hiển linh.

Đồng lúa vàng tươi vườn bưởi ngọt,

Đôi bờ xanh tốt nắng màu xinh.

Đường đời thay đổi nhiều ngao ngán,

Dòng chảy xôn xao cảnh bất minh !

Điên loạn nhà thương xưa thủa trước,

Đau trần ai đó có thay hình !

Liêu Xuyên

 

ĐỒNG NAI NAM BỘ

 

Đồng Nai Nam Bộ biết bao tình

Nhân kiệt anh hùng xuất địa linh

Ruộng lúa đầy bông, tâm tánh tốt

Vườn cây trĩu trái, bóng ai xinh

Giăng câu bủa lưới trời trưa xế

Chở cá bơi xuồng một sớm minh

Áo tím hoa cà nghiêng nón lá

“Bà ba”duyên dáng khỏe thân hình…!

    MAI XUÂN THANH

Cựu Kim Sơn Vùng Vịnh

    December 09, 2023

 

THƯƠNG QUÁ ĐỒNG NAI.

 

Sông nước Đồng Nai thắm đượm tình,

Xưa vùng Kinh Tế Mới linh đinh...

Thiên nhiên kỳ diệu Dân sinh sống.

Lập nghiệp An cư phát triển xinh...

Nhớ lúc khổ nghèo cơm áo thiếu,

Nhớ Quê,nhớ Mẹ,nhớ Cha mình...

Đã lâu Viễn Xứ hồi Quê lại,

Thương quá Đồng Nai đẹp sắc hình...

Mỹ Nga,

   10/12/2023 ÂL,27/10/Quý Mão.

 

ĐỒNG NAI QUÊ EM

 

Đồng Nai đất nước thật thân tình

Cảnh đẹp quê em rất đẹp xinh

Vườn tược mênh mông nơi trái ngọt

Núi đồi rộng lớn chốn thiên linh

Canh khuya lấp lánh vầng sao tỏ

Đêm tối rạng ngời ánh Nguyệt minh

Nức tiếng Biên Hoà danh xứ bưởi

Cù lao Phố cổ đẹp nguyên hình

Songquang

 20231210

 

ĐỒNG NAI TRONG TÔI

 

Đồng Nai sông mát ngát hương tình,

Thắm đượm lòng yêu nước chốn linh.

Xuân Lộc điểm tô nhân ái tánh,

Long Thành mướt ngọt trái hoa xinh.

Dĩ An bến hẹn thăm vườn bưởi,

Nhơn Trạch vùng trời sáng ánh minh.

Nam bộ một thời vang vội tỉnh,

Biên Hòa đã đẹp đẽ thay hình.

                            *

Đạo đức tình thân mãi giữ gìn.

HỒ NGUYỄN

 (10-12-2023)

 

TÌNH QUÊ

 

Củu long sông Hậu biết bao tình

Điệu hát câu hò đối ứng linh

Chim đậu Phong Điền trai phúc hậu

Cò bay Cầu Nhiếm gái hiền xinh

Ruộng vườn trù phú đầy cây trái

Chợ nổi đông chen đủ chứng minh

Lối sống chân quê không giả tạo

Thương nhau đâu phải diễn phô hình

Kiều Mộng Hà

 Dec10.2023

 

BIÊN HOÀ QUÊ TÔI

 

Trần Biên lịch sử vẫn lưu hình

Bao vị tiền nhân *thật hiển linh

Bửu tự Phật đài cao lộng lẩy

Đồng giang dòng nước rất tươi xinh

Dân làng hiền thục …chu toàn nghĩa

Cuộc sống bình an…thắm thiết tình

Mấy chục năm xa lòng mãi nhớ

Cánh đồng rực rỡ lúc bình minh.

Thy Lệ Trang

* Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Thượng Xuyên…

 

DẤU ẤN ,

 

Phong cảnh quê mình thấm đậm tình

Nơi nào cũng ánh sắc vàng linh

Cánh đồng bất tận no tròn dáng

Nương rẫy quanh co vẻ đẹp xinh

Qua lại con sông từ chạng vạng

Vô ra chốn chợ tự bình minh

Nhịp nhàng sinh hoạt từng ngày ấy

Dấu ấn còn đây óng ả hình !

PHƯỢNG HỒNG


QUÊ HƯƠNG

 

Quê hương đất nước thắm chơn tình

Tổ phụ năm xưa ứng Thánh linh

Hồng-Lạc vang danh tiên lập quốc

Việt Nam tên gọi thật là xinh

Ba miền Nam Bắc nhìn ra biển

Vựa lúa trời cho đủ chứng minh

Hảnh diện tiền đồ con cháu lãnh

Hậu sinh đừng để chúng thay hình …

  Yên Hà

11/12/2023

 

ĐỒNG NAI

(Họa hoán vận)

 

Người xưa Hữu Cảnh tạo thành hình

Danh tánh Đồng Nai, chốn địa linh

Lục Tỉnh, Biên Hòa, dân phước hậu

Nam Kỳ, Gia Định, chúng hiền minh

Gồm nhiều tên đất, người đều tốt

Mang một tên sông, cảnh vẫn xinh

Lịch sử Đồng Nai đà trải nghiệm

Biết bao nhân kiệt bấy nhiêu tình.

(Phan Thượng Hải)

       12/10/23

(*) Chú thích:

       Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Nguyễn Hữu Kính) là người đầu tiên tạo lập Đồng Nai.  Đồng Nai còn là tên của sông Đồng Nai.

 TB.

Xin gửi một đoạn trong bài "Địa Danh Miền Đông Nam Kỳ" (Bs Phan Thượng Hải) trong phanthuonghai.com 

Xin mời đọc chơi:

Theo Thái Văn Kiểm, Nam Kỳ đầu tiên được gọi là Đồng Nai, Lộc Dã, Lộc Đồng (cùng 1 nghĩa) hoặc Nông Nại là nơi mà người Việt đã đặt chân lần đầu tiên vào năm 1623.  Lộc Dã là Hán ngữ của Đồng Nai.  Đồng Nai có nghĩa là chỗ đồng trống có nhiều nai.  Lúc đầu tiên, đối với người Việt thì Đồng Nai có nghĩa là đất Nam Kỳ. 

Ca Dao:

         Làm trai cho đáng nên trai

         Phú Xuân đã trải Đồng Nai đã từng

 

         Rồng chầu ngoài Huế

         Ngựa tế Đồng Nai

         Nước sông sao lại chảy hoài

         Thương người xa xứ lạc loài tới đây

         Tới đây thì ở lại đây

         Bao giờ bén rễ xanh cây lại về

 

         Bao giờ cạn lạch Đồng Nai

         Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền

 

         Anh xa em chưa đầy một tháng

         Nước mắt lai láng hai tám đêm ngày

         Bao giờ cạn lạch Đồng Nai

         Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền

 

         Đồng Nai gạo trắng nước trong

         Ai đi đến đó thì không muốn về

 

         Xay lúa giã gạo Đồng Nai

         Gạo thóc về ngài tấm cám về tôi

 

Vùng đất của Thành phố Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai ngày nay được người Việt đến định cư thưa thớt từ năm 1658.  Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần cho 2 Tướng nhà Minh bên Tàu trốn nhà Thanh là Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình cùng 3000 binh lính và toàn thể gia đình thuộc hạ tới định cư ở đây đóng bản doanh ở 1 Cù lao.  Họ đặt tên là Đông Phố, đúng ra là Giản Phố (vì theo Hán tự thì chữ Đông và chữ Giản viết gần giống nhau) và tên Cù lao nầy còn gọi là Cù Lao Phố hay Đại Phố Châu.

Thật ra đầu tiên nhóm Trần Thượng Xuyên định cư ở Bến Gỗ nay thuộc xã An Hòa (của Tp Biên Hòa) rồi một thời gian ngắn sau đó mới dời tới Cù Lao Phố.  Bến Gỗ thành khu thương mại thứ nhì của người Hoa (sau Cù lao Phố) chuyên về buôn bán gỗ từ rừng chở tới nên gọi là Bến Gỗ.  Hán ngữ của Bến Gỗ là Tân Sài.

Năm Mậu Dần 1698, Chúa Nguyễn sai Thống suất Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Đồng Nai.  Lúc nầy Đồng Nai hay vùng đất Đồng Nai là ám chỉ cả một vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh.  Nguyễn Hữu Cảnh đến đóng quân ở Cù lao Phố, đặt tên vùng đất mới nầy là phủ Gia Định, chia làm 2 huyện: 

         huyện Phước Long và dựng dinh Trấn Biên ở đây 

         huyện Tân Bình và dựng dinh Phiên Trấn ở đây.  

Huyện Phước Long và dinh Trấn Biên gồm các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Phước ngày nay.  Huyện Tân Bình và dinh Phiên Trấn gồm có Sài gòn-Gia Định, tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh ngày nay.

Năm 1802, Gia Long đổi dinh Trấn Biên thành trấn Biên Hòa.  Trước đó, trong 1 thời gian ngắn, Tướng cướp Tàu là Lý Tài chống Tây Sơn đổi tên Trấn Biên thành Biên Hùng Trấn.  Tên Biên Hùng sau nầy vẫn còn dùng thay cho Biên Hòa.

Đó là tất cả nguồn gốc của các địa danh: Đồng Nai, Biên Hòa, Biên Hùng, Cù lao Phố và Bến Gỗ.

(Bs Phan Thượng Hải)


GIÓ LÀO CÁT BẠCH

 

Dẫu khổ hằn luôn nặng nghĩa tình

Gió lào cát bạch mảnh đất linh

Non Mai mạch ví hồn sông núi

Thạch Hãn nguồn y bóng dáng hình

Xót bởi Huyền Trân đà vị nghĩa

Cảm vì Công chúa thấu điều minh

Hói Sòng(1) điểm rước dâu Chàm quốc

Đổi lấy châu Ô - Rí(2) đẹp xinh…

Mai Vân-VTT

   12/12/23.

P/s: (1&2) Hói sòng là bến trên sông Cam Lộ, thuộc Tả ngạn sông Thạch Hãn. Đoàn kiệu rước Công Chúa Huyền Trân từ Thành Thăng Long đến đây xuống thuyền ra cửa Việt Yên (nay là cửa Việt) ra khơi để sang làm dâu Vương quốc Chăm Pa; cuộc tình đổi lấy hai châu Ô và Rí (Châu Thuận Hóa về sau), và nhánh sông Cam Lộ được đổi thành tên sông Hiếu để dân mình tưởng nhớ công ơn Bà Chúa và lập miếu phụng thờ nơi bến Hói này từ bao đời nay.


MIỀN ĐÔNG

 

Miền đông đầy ắp những chân tình

Sông đắp bồi vùng đất địa linh

Dòng nước dưỡng nuôi đồng lúa tốt

Phù sa tắm tưới vườn cây xinh

Vì người vụ lợi thành tàn phá

Bởi kẻ tham tài luật chẳng minh

Xứ sở đa nguồn tuy rộng mở

Mà không thoát khỏi cửa vô hình.

2023-12-12

  Võ Ngô

 

ĐỒNG NAI

 

Đông Nai quan cảnh thật ư tình

Chưa kể rằng đây một địa linh

Phát lắm anh tài đầy dũng liệt

Sinh nhiều thục nữ rất tươi xinh

Nổi danh thể bưởi ngon và bổ

Nức tiếng như đường (*) mát lại minh

Thêm nữa dòng sông nguồn lợi lớn

Phục người đã khéo tạo nên hình.

Thái Huy

12/13/23

(*) Xa lộ Biên Hòa

 

ĐÔI BỜ SÔNG TIỀN

 

Tiền Giang chuyên chở biết bao tình

Rực rỡ vườn Hồng hoa bướm xinh

Bên nọ Bến Tre dung nguyệt thẹn

Chốn này phố Mỹ địa nhân linh

Phà đưa trễ nải hay hờn giận

Cầu bắt thông thương hết khổ hình

Hạnh phúc đôi bờ mâm quả viếng

Tơ hồng loan phụng hót hòa minh

Hưng Quốc

     Texas 12-12-2023


2 nhận xét :

  1. GIÓ LÀO CÁT BẠCH

    Thơ họa :
    Dẫu khổ hằn luôn nặng nghĩa tình
    Gió lào cát bạch mảnh đất linh
    Non Mai mạch ví hồn sông núi
    Thạch Hãn nguồn y bóng dáng hình
    Xót bởi Huyền Trân đà vị nghĩa
    Cảm vì Công chúa thấu điều minh
    Hói Sòng(1) điểm rước dâu Chàm quốc
    Đổi lấy châu Ô - Rí(2) đẹp xinh…
    Mai Vân-VTT, 12/12/23.
    P/s: (1&2) Hói sòng là bến trên sông Cam Lộ, thuộc Tả ngạn sông Thạch Hãn. Đoàn kiệu rước Công Chúa Huyền Trân từ Thành Thăng Long đến đây xuống thuyền ra cửa Việt Yên (nay là cửa Việt) ra khơi để sang làm dâu Vương quốc Chăm Pa; cuộc tình đổi lấy hai châu Ô và Rí (Châu Thuận Hóa về sau), và nhánh sông Cam Lộ được đổi thành tên sông Hiếu để dân mình tưởng nhớ công ơn Bà Chúa và lập miếu phụng thờ nơi bến Hói này từ bao đời nay.

    Trả lờiXóa

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!