Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

THƠ VÀ SỬ VIỆT - HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA VÀ CHIÊM THÀNH -Bs Phan Thượng Hải biên soạn

Câu chuyện của Huyền Trân Công chúa và Trần Khắc Chung trong Thơ và Sử đã tạo nên sự chú ý của hậu thế về lịch sử giữa Đại Việt và Chiêm Thành.

HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

Đời Trần Thái Tông, Vua đánh Chiêm Thành (1252) bắt vương phi của vua Chiêm Thành (Jaya Paramesvaravarman II) là Bồ Gia La. Sau đó 2 nước đều bị quân Mông Cổ tấn công nên không giao tiếp với nhau.

Năm 1306, theo lời hứa với vua Chiêm Thành trong khi du hành ở đây 5 năm trước, Thượng Hoàng Nhân Tông gả con gái là Huyền Trân công chúa (1287-1340) cho vua Chiêm Thành là Chế Mân (Jaya Sinvaharman III) để đổi lấy 2 châu Ô và Rý (còn đọc là Lý) của Chiêm Thành (nay là vùng nam Quảng Trị và Thừa Thiên). Lúc đó vua Chế Mân đã có một bà Hoàng hậu chánh là người Java (Nam Dương). Quần thần đồng ý kể cả ông Trần Khắc Chung.

"Chiêu Quân Giá Hồ"

Một số ít văn thần trong triều mượn chuyện vua Hán đem Chiêu Quân (tên là Vương Tường) gả cho vua Hung Nô mà làm thơ quốc âm bằng chữ Hán Nôm để can gián việc nầy. Toàn bộ có 48 bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú, tựa là “Chiêu Quân giá Hồ”, một số còn truyền tụng đến nay. Đây là những bài thơ Hán Nôm thể Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú xưa nhất của lịch sử thi văn Việt Nam còn tồn tại, nếu bài thơ “Bán Than” không phải là của ông Trần Khánh Dư.

Những văn thần nầy có thể là những ông Đoàn Nhữ Hài, Trương Hán Siêu, Trần Thì Kiến,Nguyễn Sĩ Cố… đều nổi danh trong văn học sử.

Bài 1 có thể là bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú đầu tiên bằng chữ Hán Nôm:


VUA HÁN NGUYÊN ĐẾ TỨC VỊ (Bài 1)

Viêm Lưu trời mở vận trùng quang

Ngôi báu xưa rày vỗ bốn phang (phương)

Rút vỏ gươm A thiêng thế nước (*)

Thêm chân non Thái vững âu vàng (*)

Trong triều giũ áo nền nhân thấm

Ngoài cõi nghiêng tai tiếng đức vàng

Hạng hải thê sơn đều ngóng phục

Lăng loàn hiềm một chút Hồ Khang (Khương). (*)

(Trần triều văn thần)


(*) Chú thích:

Gươm Thái A, một kiếm quý thời Xuân Thu 

(Cái) âu (bằng) vàng (=Kim âu). Nghĩa bóng là (Thiên hạ) vững như cái âu bằng vàng.

Hồ Khương: người Hồ và người Khương ở phương Bắc. Chiêu Quân sẽ xuất giá về đó.

Bài 12 và bài 20 tỏ ý muốn can vua đừng gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành:


CHÚA THUYỀN VU XIN HÒA THÂN (Bài 12)

Hán Hồ từ thuở định thông gia

Chỉ núi thề non nghĩa giảng hòa

Tần Tấn duyên xưa thu lại tốt (*)

Bắc Nam ước cũ xếp can qua

Họ Trần đặt rối mưu con trẻ (*)

Ả Lữ trao thơ chối tủi già (*)

Thiên Tử không nghe thông ước cũ (?)

Một trời âu hẵn một thu xa.

(Trần Triều văn thần)


(*) Chú thích:

Lại=quan (lại). Tốt=(binh) lính. Thời Xuân Thu nước Tần và nước Tấn kết thông gia (Tần Mục Công lấy Mục Cơ, con Tấn Hiến Công) mà lợi cho 2 nước.

Trần Bình đời Hán Cao Tổ mưu dối Ý Chi (vợ của Thuyền Vu là vua của nước Hồ). 

Lữ Hậu, vợ Hán Cao Tổ, bị chúa Thuyền Vu đưa thơ làm nhục (bằng cách đòi lấy bà góa phụ nầy).


VUA MUỐN GIỮ VƯƠNG TƯỜNG (Bài 20)

Chi để hương trời lộn cỏ rêu

Vậy ban chiếu chỉ phán hòa triều

Thư Hồ giấy mỏng lời xuôi ngược

Trướng ngọc non dầy nghĩa dấu yêu

Vã trước Bạch Đăng thù chửa trả (*)

Mà nay hồng phấn của đâu liều

Chẳng bằng sắc nước làm yên nước

Kén tướng binh nhung mở cõi Nghiêu. (*)

(Trần triều văn thần)


(*) Chú thích:

Hán Cao Tổ bị người Hung Nô (=rợ Hồ) vây ở Bạch Đăng.

Cõi Nghiêu: nước của vua Nghiêu, thời thạnh trị trong lịch sử Trung Quốc.

*

Huyền Trân công chúa sang Chiêm Thành là Hoàng Hậu Paramecvari, sinh một hoàng tử.11 tháng sau vua Chế Mân chết (1307). Vua Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung rước Huyền Trân công chúa đi đường biển trở về. Hai người đi gần 1 năm trời mới về tới Thăng Long. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Trần Khắc Chung tư thông với công chúa Huyền Trân trong cuộc hành trình nầy.

Sau đó theo lệnh của Thượng Hoàng Nhân Tông, công chúa Huyền Trân đi tu ở chùa Trâu Sơn (Bắc Ninh) cho đến khi qua đời 23 năm sau (1340).

Sử gia hậu thế cũng có lời bàn:


CÔNG CHÚA HUYỀN TRÂN (Nguyên bản)

Đổi chác xưa nay khéo nực cười

Vốn đà chẳng mất lại thêm lời

Hai châu Ô Lý vuông nghìn dặm

Một gái thuyền quyên đáng mấy mươi

Lòng đỏ khen ai lo việc nước

Môi son phải giống mãi trên đời

Châu đi rồi lại châu về đó

Ngơ ngẫn nhìn nhau một lũ Hời!

(Hoàng Cao Khải)


CÔNG CHÚA HUYỀN TRÂN (Họa)

Nhà Trần tôi chúa đáng chê cười

Lợi dụng Huyền Trân để có lời

Hôn ước vua Chiêm thêm một vợ

Tư thông gái góa mới hai mươi (*)

Hồng nhan mệnh bạc vì non nước

Hiếu nữ tình chung trọn nghiệp đời

Ô Lý đổi trao về Đại Việt

Thương nàng công chúa, tội dân Hời! (*)

(Phan Thượng Hải)


(*) Chú thích:

Lúc đó (năm 1307) Huyền Trân Công chúa được 20 tuổi. Ông Trần Khắc Chung chắc chắn là hơn 40 tuổi và có vợ con rồi vì lúc năm 1285 ông có đi sứ đối khẩu với Ô Mã Nhi thì phải hơn 20 tuổi rồi.Người dân Hời = người dân Chiêm Thành. (Xưa gọi là người Chàm, bây giờ là người Chăm).

* Trần Khắc Chung

Ông Trần Khắc Chung (?-1330) tên thật là Đỗ Khắc Chung, nhờ có công đi sứ chống lại Tướng Ô Mã Nhi của giặc Nguyên nên được vua Trần cho đổi thành họ Trần. Ông Trần Khắc Chung làm quan đầu trong triều đình đời vua Anh Tông và Minh Tông.

Hoàng tộc nhà Trần biết chuyện (tư thông) giữa ông và công chúa Huyền Trân đều ghét ông Trần Khắc Chung. Hưng Nhượng Vương (con Hưng Đạo Vương) có mắng ông Trần Khắc Chung tại triều đình.

Sau đó có người vu cáo Huệ Vũ Vương Trần Quốc Chẩn (em vua Trần Anh Tông), Trần Khắc Chung xúi vua Trần Minh Tông bỏ đói ông nầy cho đến chết (mặc dù Trần Quốc Chẩn là chú của Minh Tông và là cha của Hoàng hậu) và còn để cho hàng trăm người nhà ông nầy chết oan theo. Về sau việc vỡ lỡ nhưng ông Trần Khắc Chung không bị tội. Khi ông Trần Khắc Chung chết, con của ông Trần Quốc Chẩn cho người đào xác lên mà “bằm nhỏ”. (Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).

ĐẠI VIỆT VÀ CHIÊM THÀNH

* Đại Việt và Chiêm Thành sau khi Huyền Trân Công Chúa về Đại Việt

Năm 1311, vua Chiêm Thành là Chế Chí (Jaya Sinhavarman IV), con Chế Mân, muốn lấy lại 2 châu Ô Lý. Vua Trần Anh Tông đem ông Phạm Ngũ Lão cùng Huệ Võ Vương Trần Quốc Chân (Chẩn) và Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư phân làm 3 đạo quân đánh Chiêm Thành (1312) bắt Chế Chí về Đại Việt và phong em là Chế Đà A Bà còn gọi là Chế Năng (1312-1318) làm vua Chiêm Thành. Chế Chí chết ở Đại Việt.

Sau cuộc viễn chinh, vua Trần Anh Tông có làm bài thơ:

CHINH CHIÊM THÀNH HOÀN CHU BẠC PHÚC THÀNH CẢNG

(Đánh Chiêm Thành về đậu thuyền ở cửa biển Phúc Thành)


Cẩm lãm quy lai hệ lão dung     

Hiểu sương hoa trọng thấp vân bồng   

Sơn gia vũ cước thanh tùng nguyệt   

Ngư quốc triều đầu hồng liệu phong            

Vạn đội tinh kỳ quang hải tạng                     

Ngũ canh tiêu cổ lạc thiên cung                   

Thuyền song nhất chẩm giang hồ noãn         

Bất phục du chàng nhập mộng trung.            

 (Trần Anh Tông)            


CHINH CHIÊM THÀNH HOÀN CHU BẠC PHÚC THÀNH CẢNG

(Đánh Chiêm Thành về đậu thuyền ở cửa biển Phúc Thành)


Thuyền gấm đường về buộc gốc đa

Sương mai nặng hạt ướt mui là

Đầu thông xóm núi trăng vừa ló

Răm đỏ làng chài gió đã qua

Muôn đội cờ bay vùng biển rạng

Năm canh kèn trống điện trời sa

Bên song chợt ấm lòng sông biển

Màn trướng thôi vương giấc mộng hoa.

 (Phạm Tú Châu dịch)


Vua Chế Năng cũng muốn chiếm lại Ô Lý nên Trần Minh Tông cùng Huệ Võ Vương Trần Quốc Chẩn và ông Phạm Ngũ Lão sang đánh (1318), Chế Năng thua trận chạy trốn sang Java (NamDương).

Nhà Trần lập một người Chàm từng sống ở Đại Việt là Chế Ba A Niêm hay Chế Anan làm vua (1318-1342). Nước Chiêm Thành trở thành một “chư hầu” (vassal) của Đại Việt. Khi Chế Anan chết, người em rể là Trà Hoa Bồ Đề được người Chàm ủng hộ đuổi con của Chế Anan là Chế Mô về Đại Việt. Nước Chiêm Thành lại độc lập khỏi Đại Việt. Sau nầy (1353) vua Trần Dụ Tông cho quân đưa Chế Mô về nước Chiêm Thành (làm vua) nhưng bị vua Trà Hoa Bồ Đề (1342-1360) đánh bại.

Vua Trà Hoa Bồ Đề chết, người em lên nối ngôi là vua Chế Bồng Nga (1360-1390).

Vua Chế Bồng Nga (Po Binasuor) là vị vua thứ 39 của lịch sử Chiêm Thành và là vị vua hùng mạnh nhứt. Chữ “Chế” không phải là “họ” (family name). Nó là âm tiếng Hán từ chữ “Cei” của Chiêm Thành có nghĩa là “Uncle" thường dùng để gọi những vị Tướng Quân (Generals).


* Chế Bồng Nga

- Thời Trần Nghệ Tông

Vì mẹ của Dương Nhật Lễ sang cầu cứu Chiêm Thành, vua Chế Bồng Nga đem quân tấn công,theo cửa Đại An vào sông Đáy cướp phá Thăng Long làm vua Trần Nghệ Tông phải bỏ chạy khỏi kinh đô (1371).

- Thời Trần Duệ Tông

Sau 2 năm làm vua, vua Trần Nghệ Tông (52 tuổi) giữ thông lệ cũ lên làm Thái Thượng Hoàng truyền ngôi cho em là Cung Tuyên Vương Kính tức là Trần Duệ Tông (năm 1373). Tháng giêng năm 1377, vua Trần Duệ Tông (1337-1377) đi đánh Chiêm Thành để báo thù. Vua bị Chế Bồng Nga phục binh bắn chết ngay trong thành Đồ Bàn. Lê Quý Ly giữ hậu quân ở cửa Thị Nại bỏ chạy không tiếp viện.

- Thời Trần Phế Đế

Thượng Hoàng Nghệ Tông lập con thứ của Duệ Tông là Hoàng tử Trần Hiện (1361-1388), cháu kêu mình bằng bác, đang 16 tuổi, có mẹ là Gia Từ hoàng hậu (em của Lê Quý Ly). Đó là vua

Trần Phế Đế.

Vua Chế Bồng Nga của Chiêm Thành lại tấn công và cướp phá Thăng Long vào tháng 11 năm 1377 (theo cửa Thần Phù vào sông Chính Đại ở Yên Mô, Ninh Bình) và vào năm 1378 (theo sông Đại Hoàng tức là sông Châu Giang ngày nay nên chắc phải vào cửa Đại An của sông Đáy rồi theo sông Châu Giang qua sông Hồng?).

Lê Quý Ly và quân nhà Trần chận đứng được quân Chiêm vào năm 1380 (ở Thanh Hóa) và Nguyễn Đa Phương thắng quân Chiêm vào năm 1382 (ở cửa Thần Phù).

Năm 1383, Chế Bồng Nga cùng tướng là La Khải, theo sơn lộ (? từ Thanh Hóa) đến Quốc Oai (nay là Quốc Oai, Hà Tây) vào cướp phá Thăng Long lần thứ 4, Nghệ Tông lại chạy qua bên kia sông Hồng lánh nạn.

Quân Mông Cổ chỉ chiếm Thăng Long có 2 lần nhưng quân Chiêm Thành đánh hạ Thăng Long 4 lần (1371, 1377, 1378 và 1383), cướp phá và rút về.

- Thời Trần Thuận Tông

Thượng Hoàng Nghệ Tông phế Trần Phế Đế và ép thắt cổ chết rồi lập con nhỏ của mình là Ngung (1377-1399) làm vua là Trần Thuận Tông (năm 1388).

Đầu năm 1389, Chế Bồng Nga lại tấn công Đại Việt đánh bại Lê Quý Ly ở Thanh Hóa nhưng nhờ ông Nguyễn Đa Phương thủ bờ bắc sông Ngu Giang làm kế nghi binh cấm nhiều cờ xí ở dinh trại nên quân Chiêm không dám tấn công và rút về. Lê Quý Ly ghen tị giết ông Nguyễn Đa Phương. Ở địa phận Thanh Hóa có hạ lưu sông Mã. Khi xưa khi sông Mã chảy gần tới biển là khúc sông Tào Xuyên (gọi là Ngu Giang) ra cửa Lạch Trường nhưng sông và cửa nầy bị hẹp thời nhà Nguyễn nên sông Mã mở rộng theo 1 nhánh nhỏ chảy ra cửa Lạch Hới gần núi Hàm Rồng ngày nay. Do đó những lần vào Thanh Hóa chắc Chế Bồng Nga dùng cửa Lạch Trường của sông Mã.

Tháng 11 năm 1389, vua Chế Bồng Nga lại vào sông Hồng (cửa Ba Lạt?) đến Hoàng Giang (? khúc sông Hồng ở Nam Xương, Hà Nam), đóng quân và cướp phá ở vùng Thái Bình và Hưng Yên. Lê Quý Ly cứ bị đánh thua nên Thượng Hoàng Nghệ Tông dùng ông Trần Khát Chân (dòng dõi ông Trần Bình Trọng) cầm quân chống giặc. Đầu năm 1390, ông Trần Khát Chân đóng quân ở sông Hải Triều (khúc sông Luộc ở giữa Tiên Lữ, Hưng Yên và Hưng Nhân,Thái Bình). Nhờ một hàng tướng Chiêm Thành (tên là Ba Lậu Kê) cho biết dấu hiệu riêng của thuyền Chế Bồng Nga (có sơn màu xanh), ông Trần Khát Chân nhân lúc Chế Bồng Nga đi thị sát mặt trận ở sông Hải Triều cho quân tập trung hỏa khí bắn vào chiếc thuyền nầy và may mắn giết chết Chế Bồng Nga. Tướng La Khải và quân Chiêm phải rút về nước, con cháu Chế Bồng Nga đầu hàng và về ở Đại Việt. Tướng La Khải lên làm vua và từ đó nước Chiêm Thành suy yếu không còn cạnh tranh nổi với Đại Việt.

Hậu thế có bài thơ:

CHẾ BỒNG NGA

Sơn hà nguy biến tự Chiêm Thành

Bởi Chế Bồng Nga khởi chiến tranh

Đại Việt ra vào không quản ngại

Thăng Long cướp phá mặc tung hoành

Vua Trần thất thế, điều nhân quả?

Sông Luộc đưa đường, chuyện tử sanh

Hỏa khí Khát Chân tàn thảm họa

Nên khi nước loạn biết hùng anh.

(Phan Thượng Hải)

4/18/15

- Thời vua Hồ Quý Ly

Năm 1402, nhà Hồ sai tướng Đỗ Mãn sang đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm Thành là Ba Đích Lại sai cậu là Bồ Điền sang dâng đất Chiêm Động hay Ba Động (tỉnh Quảng Nam ngày nay) để xin bãi binh. Vua Hồ Quý Ly bắt Chiêm Thành phải nhường thêm đất Cổ Lũy hay Cổ Lụy (tỉnh Quảng Ngãi ngày nay) mới chịu rút quân về. Người Chiêm bỏ 2 vùng đất nầy di cư về Chiêm Thành. Vua Hồ Quý Ly cho những người dân Đại Ngu có tiền của mà không có đất vào ở và bắt đầu sở hữa đất đai ở đây.

* Lịch sử Đại Việt chiếm Chiêm Thành

Chuyện công chúa Huyền Trân đổi lấy 2 châu của Chiêm Thành là một trong những quá trình nước Đại Việt chiếm nước Chiêm Thành (trong hơn 600 năm).

Đây là quá trình lịch sử:

Lúc đầu Hoành Sơn (Đèo Ngang) là biên giới giữa nước Đại Cồ Việt (rồi Đại Việt) và nước Chiêm Thành.

Năm 1069, vua Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành bắt vua Chế Củ về Thăng Long. Vua Chế Củ dâng 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính (gồm Quảng Bình và phần bắc Quảng Trị) để chuộc mình.

Năm 1306, Thượng hoàng Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân đổi lấy 2 châu Ô và Lý (phần nam Quảng Trị và Thừa Thiên). Biên giới là đèo Cả (Hải Vân).

Năm 1402, Chiêm Thành cầu hòa, dâng cho vua Hồ Quý Ly đất Ba Động (Quảng Nam) và đất Cổ Lũy (Quảng Ngãi).

Năm 1470, vua Lê Thánh Tông chiếm kinh đô Đồ Bàn và vùng chung quanh (nay là Qui Nhơn). Biên giới là đèo Cù Mông.

Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng chiếm Phú Yên (Tuy Hòa)

Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần chiếm Nha Trang (Khánh Hòa)

Năm 1693, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh chiếm Phan Rang và Phan Rí (Phan Thiết). Nước Chiêm Thành bị tiêu diệt.

Vùng Tây Nguyên

Năm 1470, vua Lê Thánh Tôn cùng các tướng Đinh Liệt, Lê Niệm (cháu nội Lê Lai) và 26 vạn quân Đại Việt hạ kinh đô Đồ Bàn của nước Chiêm Thành, “cắt 4 vạn thủ cấp”, bắt vua Bà La Trà Toàn, gọi tắt là Trà Toàn (1460-1471), và hơn 3 vạn (30,000) tù nhân. Tướng Bồ Trì Trì rút về nam đèo Cù Mông (giữa Qui Nhơn và Phú Yên) và lên làm vua. Nước Đại Việt thêm đất Qui Nhơn bành trướng tới đèo Cù Mông.

Vua Lê Thánh Tông chia nước Chiêm Thành còn lại ra làm 3 nước:

Bồ Trì (hay Bồ Trì Trì) là vua nước Chiêm Thành gồm Nha Trang, Phan Rang và PhanThiết.

Hoa Anh Vương cai trị nước Nam Hoa ở Phú Yên

Nam Bàn Vương cai trị nước Nam Bàn gồm vùng đất phía tây núi Thạch Bì (núi Đại Lĩnh có đèo Hải Vân) tức là vùng Tây Nguyên (Cao Nguyên Trung Phần) ngày nay.

Vùng Tây Nguyên nầy gồm vùng Pleiku, Komtum, Ban Mê Thuột và Lâm Đồng (Đà Lạt-Bảo Lộc).Vùng nầy chính thức nhập vô bản đồ nước ta vào thời vua Minh Mạng, chỉ có người Thượng sinh sống và hình như không có cơ quan hành chánh trong thời chúa Nguyễn (dù đã chiếm Phú Yên và Chiêm Thành), nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn.

Năm 1891, Bác sĩ Yersin thám hiểm công viên Lâm Đồng và báo cáo nên người Pháp mới để ý đến vùng nầy. Từ năm 1896 đến 1899, chính phủ Pháp áp lực triều đình nhà Nguyễn để họ tự cai trị vùng Tây Nguyên (như thuộc địa) và cho người Pháp lên mở đồn điền. Người Pháp lập tỉnh Komtum (1907), tỉnh Pleiku (1917), thị xã Đà Lạt là nơi nghĩ mát (1917), tỉnh Lâm Đồng (1920) và tỉnh Darlac ở Ban Mê Thuột (1923).

Năm 1946, sau khi trở lại Đông Dương, Cao ủy D’Argenlieu thành lập “Xứ Thượng Nam Đông Dương” (Pays montagnards du Sud Indochinois) do người Thượng tự trị (như Nam Kỳ Quốc).

Năm 1950, Xứ Thượng Đông Dương sát nhập vào Quốc Gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại (gọi là Hoàng Triều Cương Thổ) cho đến năm 1955 thì thuộc nước Việt Nam Cộng Hòa của chính phủ Ngô Đình Diệm.

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

Bài viết này đăng lần đầu trong phanthuonghai.com mục Thơ và Sử Việt phần Nhà Trần.

Tài liệu tham khảo

1) Thơ và Sử Việt - Nhà Trần (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com

2) Thơ và Sử Việt - Nhà Lê (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!