Thứ Năm, 17 tháng 2, 2022

17-2-1979 -Thơ Nguyễn Quê và Thơ Họa


17-2-1979

 

Năm 79 xưa ngày, tháng đây

60 muôn lính giặc Ngô bày

Bom mìn sáu tỉnh biên rền nổ

Máu lệ bao người Việt túa cay

Xã tắc nguy thời quân quyết tử

Sơn hà khốn vận chúng liều thây

Ngàn thu mối hận còn trơ đó

Như Nguyệt, Bạch Đằng đón lũ bây

17-2-2022

Nguyễn Quê


Thơ Họa:

 

KHẮC CỐT

 

Mười bảy tháng hai khắc cốt đây

Nhớ xưa tội ác đã phơi bày

Sáu trăm ngàn giặc tràn biên giới

Sáu tỉnh dân lành nuốt lệ cay

Giấc mộng xâm lăng cuồng ngút sử

Lời thề “sát thát” quyết liều thây*

Bạn vàng,Bốn tốt khua đầu lưỡi

Hiểm độc mưu đồ của chúng bây

Lý Đức Quỳnh

   17/2/2022

*Sát Thát: hai chữ thích bằng mực đen lên tay tướng sĩ nhà Trần (hoặc viết lên lá cây rừng) trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông 1285, biểu lộ quyết tâm giết giặc bảo vệ sơn hà xã tắc.


LỜI CẢNH TỈNH...

 

Cơ hàn Bắc Thuộc,...sử còn đây

Dân Việt nghìn năm  chả đặt bày (?)

Ải chất xương phơi,... hờn phẫn nộ

Biên tràn máu đổ,...lệ sầu cay!

Con Rồng, cháu Lạc đà vung kiếm

Hán chệt, Tầu ô ắt nát thây!

Bia miệng muôn đời khôn gột rửa

Phơi trần "...79" nhắc loài bây !

      17-2-2022

Nguyễn Huy Khôi

 

CẢNH TỈNH

 

Nhớ xưa mười bảy tháng hai đây,

Bảy chín năm ghi nhớ giặc bày.

Sáu tỉnh Bắc phần bom đạn nổ,

Quê hương dân Việt lệ chua cay.

Can trường trận chiến thân liều chết,

Anh dũng biên thùy máu ngập thây.

Mỗi độ xuân sang như nhắc nhở:

Toàn dân cảnh giác bọn Tàu bây!

HỒ NGUYỄN

(17-02-2022)


NGHĨ VỀ ĐẤT TỔ .

 

Sa Pa, Hán tặc tràn qua đây

Chúng phá tan hoang, tiêu thổ bày

Nước mắt quê hương tràn lệ mặn

Tâm tư chiến cuộc ngập lời cay

Công thành một thủa phơi binh mã

Danh toại đôi thời lạc xác thây

Hãy nhớ một điều là đất tổ

Phải mau xoá bỏ cộng nô bầy ...

Utah  17 - 2 – 2022

 CAO MỴ NHÂN

 

LƯU DANH

 

Ai ơi ! Còn nhớ tháng ngày đây

Trở mặt tháng hai đã rõ bày

Vượt tuyến xua quân nhiều tĩnh Bắc

Kéo lê dân Việt ứa lệ cay

Bá quyền giấc mộng Tàu gian ác

Nên nhớ đừng quên phải xé thây !

Muôn kiếp giặc thù luôn lén phén

Lưu danh Hồng Lạc coi chừng bây…

  Yên Hà

17/2/2022


DÒNG MÁU OAI HÙNG

 

Tấm gương dũng liệt vẫn còn đây

Thành kính người Nam xin trải bày

Dân Việt oai hùng luôn bất diệt

Quân Tàu hèn nhát mãi chua cay

Gìn quê nhớ Chị giờ tan xác

Giữ nước thuơng Anh đã bỏ thây

Giặc Bắc cứ từng ngày lấn chiếm

Bao dòng máu đổ cản ngăn bây

Nông gia hai lúa

   New Jersey

Để kính dâng huơng linh các anh hùng liệt nữ

đã nằm xuống trong trận chiến biên giới 17 tháng 2 năm 1979

 

BỐN BA NĂM RỒI ĐÓ...!

(17-02-1979  -  17-02-2022)

 

Bốn ba năm đó biết từ đây

"Bảy chín" xưa ngày chiến trận bày  (1979)

Ải Bắc lục quân Tàu đánh phá

Biên cương sáu tỉnh giặc chua cay

Sơn hà tấc đất ta liều mạng

Xã tắc cơ đồ địch nát thây

Như Nguyệt trăng soi còn dấu ấn (1)

Bạch Đằng cọc nhọn đánh tan bây...! (2)

Mai Xuân Thanh

February 18, 2022

(1) Như Nguyệt : tên địa danh lịch sử thời Lý Thường Kiệt...

(2)  Bạch Đằng: địa danh lịch sử thời Hưng Đạo Đại Vương.


*******

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

VỀ CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI VIỆT–TRUNG 1979

BY LUẬT KHOA TEAM – 17 FEB 2022
1. THÔNG TIN SƠ LƯỢC
Rạng sáng 17/2/1979, tức ngày 21 tháng Giêng năm Kỷ Mùi, Trung Quốc cho hàng trăm nghìn quân tấn công vào 6 tỉnh dọc biên giới phía Bắc Việt Nam, bao gồm Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Theo các dữ liệu phổ biến, số quân lính Trung Quốc lên đến hơn 600 nghìn, cùng với khoảng 400 xe tăng, xe bọc thép và hơn 1.500 khẩu pháo. [1] [10]
Cuộc chiến chính thức kéo dài 30 ngày. Đến ngày 18/3/1979, Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam (một số trang tiếng Anh ghi Trung Quốc rút quân vào ngày 16/3). Dù vậy, các cuộc tấn công quy mô nhỏ vẫn tiếp diễn đến tận 10 năm sau đó.
Kết quả: Cả hai phía đều tuyên bố chiến thắng. Các con số thương vong chính xác không được công bố, mỗi bên đều có xu hướng giảm con số phía bên mình và tăng con số phía đối phương. Theo một ước tính của giới nghiên cứu phương Tây được dẫn lại trên tờ Time, Trung Quốc mất ít nhất 20 nghìn người, trong khi số người tử vong tại Việt Nam là dưới 10 nghìn. [2]
2. QUYẾT TÂM TÀN PHÁ CỦA TRUNG QUỐC
Quân Trung Quốc áp dụng chiến thuật “tiêu thổ” (scorched-earth policy), tức là đặt mục tiêu hủy hoại tất cả những gì mà họ cho là có lợi cho kẻ thù. Đây là sách lược mà Trung Quốc sử dụng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950. [1]
Đoàn quân đông đảo của Trung Quốc vì thế phá hủy mọi thứ họ gặp trên đường, chiếm đóng các khu dân cư, giết hại thường dân. Cuộc chiến dù ngắn, nhưng sự hủy hoại của nó lại khủng khiếp.
Phía Việt Nam tuyên bố có đến hàng chục nghìn thường dân đã bị giết hại. [3] Không thể kiểm chứng con số này, nhưng có nhiều lời kể của nhân chứng về việc trẻ em và phụ nữ mang thai đã bị quân Trung Quốc giết hại và ném xuống giếng. [4] Nhiều thị xã bị hủy diệt hoàn toàn.
3. LÝ DO CỦA CUỘC CHIẾN
Lý do phổ biến nhất được đưa ra là Trung Quốc “muốn dạy cho Việt Nam một bài học”, trích dẫn câu nói của Đặng Tiểu Bình trong cuộc họp riêng của ông này với Tổng thống Mỹ Jimmy Carter về vấn đề Việt Nam vào tháng 1/1979 tại Washington. [5]
Phía Trung Quốc muốn bắt tay với Mỹ để chống lại Liên Xô. Đặng Tiểu Bình gọi việc “Việt Nam xâm lược Campuchia” là tiếp tay cho chủ nghĩa bá quyền của Liên Xô. Ông bày tỏ ý định sẽ đưa quân vào để trừng phạt Việt Nam. [6]
Theo nhà ngoại giao Trần Quang Cơ, Việt Nam đã “không khôn ngoan” trong việc cân bằng quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc. Các động thái ngả về phía Liên Xô - kẻ thù lớn nhất của Trung Quốc lúc đó, cùng với chính sách hà khắc với người Hoa trong nước đã tạo thành cớ để Trung Quốc tấn công. Trong khi đó, việc dính líu sâu và lâu vào vấn đề Campuchia khiến Việt Nam mất đi sự ủng hộ của khu vực ASEAN, đồng thời để tuột mất cơ hội bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ. [6]
4. ỨNG XỬ CỦA VIỆT NAM
Việt Nam cho rằng Trung Quốc đã tiếp tay cho các hành động của Pol Pot, xâm phạm tình hữu nghị của hai nước và dựng lên sự kiện nạn kiều để làm cớ tấn công Việt Nam. Phía Việt Nam tuyên bố chiến thắng cuộc chiến năm 1979, bảo vệ thành công biên giới phía Bắc. [7]
Trong phần lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980, Việt Nam gọi Trung Quốc là “bọn bá quyền xâm lược”. Câu này được bỏ đi vào năm 1988, khi hai nước tiến đến bình thường hóa quan hệ ngoại giao. [8]
Sau khi bình thường hóa quan hệ năm 1991, Việt Nam tránh nhắc đến sự kiện này. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông dâng cao. Năm 2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trở thành chủ tịch nước đầu tiên công khai tưởng niệm cuộc chiến. Đến năm 2019, dịp kỷ niệm 40 năm, sách báo về cuộc chiến bắt đầu xuất hiện, cùng với lời kêu gọi sửa đổi sách giáo khoa để viết chi tiết hơn về cuộc chiến này. Các cựu chiến binh lên tiếng mạnh mẽ để đòi công bằng cho những người đã hy sinh trong cuộc chiến. [1] [7]
5. QUAN ĐIỂM QUỐC TẾ
Ngày nay, Trung Quốc vẫn gọi cuộc chiến 1979 là động thái “tự vệ” trước Việt Nam. Bộ máy tuyên truyền của nước này thuyết phục công chúng rằng Trung Quốc là phe chính nghĩa, và đã bảo vệ thành công đất nước. [9]
Theo The Diplomat, giới nghiên cứu phương Tây đã đồng thuận rằng Trung Quốc mới là bên gây hấn, với bằng chứng rõ rệt rằng gần như toàn bộ khu vực chiến sự nằm ở phía lãnh thổ Việt Nam. [1]
Nhiều học giả cho rằng cuộc chiến là một thất bại của phía Trung Quốc ở ba phương diện: (1) không khiến Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, (2) không làm tổn hại nhiều đến quân lực chính của Việt Nam, vì lực lượng tham chiến phía Việt Nam phần lớn là dân quân tự vệ, và (3) không thuyết phục được Mỹ tham gia liên minh chống Liên Xô.
Đối với mục tiêu phá hoại miền Bắc Việt Nam, có thể nói Trung Quốc đã thành công, tuy nhiên, họ phải mất thời gian đến vài tuần, thay vì vài ngày như dự định.
6. ĐỌC THÊM VỀ CUỘC CHIẾN
- “Hồi ức và suy nghĩ”, hồi ký của nhà ngoại giao Trần Quang Cơ. Link tải.
- “Biên giới 1979 trước biển người phương Bắc”. Phóng sự đặc biệt của báo điện tử VnExpress.
- “Những mùa xuân con không về”. Tập bút ký về Chiến tranh Biên giới 1979, Nhiều tác giả, Nhà xuất bản Trẻ 2019
- “The bitter legacy of the 1979 China - Vietnam war”, Nguyễn Minh Quang, đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 23/2/2017.
- “Bên thắng cuộc - Quyển I: Giải phóng”, chương 4: Vụ Nạn kiều
- Bài viết tổng hợp các nguồn tư liệu về cuộc chiến trên Luật Khoa: “Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979: Đọc gì về một cuộc chiến bị lãng quên?”
Tài liệu tham khảo
[1] The Diplomat. (2017, February 24). The Bitter Legacy of the 1979 China-Vietnam War. https://thediplomat.com/.../the-bitter-legacy-of-the.../
[2] Time, China-Vietnam Border War, 30 years later http://content.time.com/.../0,29307,1879849_1846224,00.html
[3] VnExpress. (2014, February 13). 35 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc. vnexpress.net. https://vnexpress.net/35-nam-cuoc-chien-bien-gioi-phia...
[4] VnExpress. (2017, February 17). Remembering Vietnam’s bloody border war with China - VnExpress International. https://e.vnexpress.net/.../remembering-vietnam-s-bloody...
[5] VnExpress. (2019, July 4). Biên giới 1979 trước “biển người” phương Bắc. vnexpress.net. https://vnexpress.net/bien-gioi-1979-truoc-bien-nguoi...
[6] Hồi ức và suy nghĩ, Trần Quang Cơ, 2001.
[7] VnExpress. (2019, February 15). Cuộc chiến biên giới phía Bắc sẽ có vị trí xứng đáng trong sách giáo khoa. Tin nhanh VnExpress. https://web.archive.org/.../cuoc-chien-bien-gioi-phia-bac...
[8] Hiến pháp 1980, Nghị quyết về việc sửa lời nói đầu của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 28/6/1988.
[9] Lu, R. (2014, February 21). Comment: Beijing wants people to forget the Sino-Vietnamese War. SBS News. https://www.sbs.com.au/.../comment-beijing-wants-people...
[10] Báo Thanh Niên (2021, February 17). 42 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979 - 17.2.2021): Thắm màu cờ cực Bắc. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/42-nam-cuoc-chien-dau-bao-ve-bien...

7 nhận xét :

  1. Xướng họa hay, nỗi đau Sử Việt...

    https://i.chzbgr.com/full/8102878720/h8F4E9667/natural-symmetry

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dẫu ai muốn lãng quên thì mặc,với dân Việt phải khắc cốt ghi tâm để nhớ,để cảnh giác âm mưu thôn thính của giặc ngoại xâm.
      Chúc DVD bình an.

      Xóa

  2. Câu 8,phạm luật,cảm phiền nhờ Quỳnh sửa lại thành " Phơi trần "...79" nhắc loài bây". Cảm ơn em! Chào thân ái! Anh NHK.

    Trả lờiXóa
  3. CHIẾN TRANH TRUNG VIỆT 1979

    "Đảng ta đánh giặc Mỹ cho Tàu",
    Tàu lại đánh ta bởi tại đâu ?!!!
    Bài học Bắc Kinh hô dạy dỗ...
    Máu xương dân Việt ngập nương dâu !
    Bá quyền bành trướng qua biên giới,
    Hà Nội đưa quân giữ tuyến đầu...
    16 tháng 2 năm ...79,
    Lui binh Chết tháo chạy mau mau

    HỒ CÔNG TÂM
    Texas, February 17th 2022

    Trả lờiXóa
  4. Xin chỉnh sửa một chữ đánh máy sai:

    16 tháng 2 năm ...79,
    Lui binh Chệt tháo chạy mau mau
    (HCT)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh Hồ Công Tâm đã lưu thơ về trận chiến Việt-Trung 1979.
      Kính chúc Anh nhiều sức khỏe,an vui.

      Xóa

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!