Thứ Ba, 8 tháng 7, 2025

BẬC SƯ -Thơ Phan Thượng Hải và Thơ Họa



BẬC SƯ

 

Chân tu tuệ sỹ tiếng minh sư (*)

Khổ kiếp vô thường trải thực hư

Hoặc đoạn nhẹ nhàng cùng huyễn hoặc

Từ bi thầm lặng với hiền từ

Bản tâm đức độ tâm trầm cảm

Văn tự tài ba tự hữu dư

Phiền não tiềm tàng nơi tịch tĩnh

Niết bàn an tịnh đãi danh sư.

(Phan Thượng Hải)

       12/2/23

(*) Chú thích: Nhân khi Sư Tuệ Sỹ qua đời.


Thơ Họa:

 

SƯ TUỆ SĨ

 

Danh thiền Tuệ Sĩ bậc chân sư

Ánh đạo soi ngời cõi hoại hư

Thương cảnh chúng sinh vùi lậu hoặc

Rải tâm vô lượng khởi bi từ

Gieo mầm Bát nhã cùng nhân loại

Ủ giống Bồ đề khắp địa dư

Áp lực cường quyền công lý nghẽn

Vì đời, chẳng nệ áo nhà sư

Lý Đức Quỳnh

    7/7/2025

 

CHÂN TU

 

Trọn đời tu tập bậc chân sư

Danh lợi không màng cõi giả hư

Nhẫn nhẫn lòng hiền xa nghiệp ác

Minh minh dạ thiện khởi tâm từ

Thiền hành lĩnh ngộ bao nhiêu đủ

Khoảnh khắc sa mê cứ mãi dư

Phật giới còn đường người đã chọn

Rạng ngời phẩm hạnh một nhà sư.

     LAN.

(08/07/2025).

 

ĐỨC TĂNG THỐNG ĐỆ LỤC

 

Đức Tăng Thống đệ lục là Sư

Kiến tánh chân như trong cõi Hư

Trí tuệ uyên thâm, tâm tuệ trí

Tư bi thị hiện tính bi từ

Trọn đời tu hạnh hành Bồ Tát

Xuất thế Niết Bàn cảnh Thánh Dư

Hoả táng nhục thân ngàn Xá Lợi

Thiền Sư Tuệ Sỹ bậc Cao sư

Kiều Mộng Hà

July.08th.2025

 

BẬC SƯ

Họa hoán vận

 

Tài cao đức trọng kỉnh thiền sư

Tuệ Sỹ không màng thực với hư

Lỗi lạc thông minh lòng bác ái

Uyên thâm nghiêm túc dạ nhân từ

Bảo toàn chánh pháp ngời Tăng Thống

Thúc liễm tinh thần rạng đại sư

Thượng thủ trà tỳ lưu xá lợi

Niết bàn tịch tịnh cõi vô dư

ThanhSong ntkp

CA.08/07/2025

 

BẬC THÁNH “SƯ”

 

Tuệ Sỹ, bậc thầy nổi tiếng “Sư”

Vô thường một kiếp, thực hay hư…

Tu hành lỗi lạc trong kinh điển

Cứu thế lục thông giữa đạo từ

Đức độ chân tâm nên ngưỡng mộ

Tài năng học thuật hữu sinh dư

Tiềm tàng trí thức trong u tịch

An tịnh ngàn thu bậc Thánh “sư”

    MAI XUÂN THANH

Tampa Florida July 07, 2025

 

DANH SƯ TUỆ SỸ

 

Tuệ Sỹ danh truyền xứng đấng sư,

Bình tâm trải nghiệm cỏi vô hư.

Mặc đời gian dối luôn trung thực,

Tâm giữ bình an phước hạnh từ.

Đức độ bố ban gìn thậm cảm,

Từ bi tận hiện trãi còn dư.

An nhàn chẳng để phiền lưu ẩn,

Tuệ Sỹ danh truyền xứng đấng sư!

                         *

Từ bi phước hạnh tính còn dư.

HỒ NGUYỄN

 (08-7-2025)

 

THIỀN SƯ

 

Phong ba trần thế chẳng lay sư

Lặng lẽ tham thiền giữa mộng hư.

Mở lối văn chương tường ý thẳm

Soi lòng đạo hạnh rõ tâm từ.

Y sơ gió lộng am mây vắng

Sàng lạnh sương mờ vạt nắng dư.

Thơ thắp lửa đêm hồn tĩnh lặng

Thi nhân Tuệ Sĩ một thiền sư.

 Mailoc

07-08-25

 

TUỆ SỸ BẬC CHÂN SƯ

 

Tu như Tuệ Sỹ một nhà sư

Chiếc áo cà sa ,,,khó chối từ

Sáng sớm tụng kinh thời chẳng thiếu

Chiều tà gõ mõ cúng nào dư

Ngồi thiền tâm tịnh lòng không bợn

Thuyết giảng trí thông dạ chả từ

Đạo hạnh trao dồi am ẩn tịch

Văn thơ lưu loát bậc chân sư

Songquang

 20250708

 

CHƠN SƯ TUỆ SĨ.

 

Biển Trần bảo tố luyện Minh Sư

Nhẩn nhục kiên gan Đời phá hư...

Buông bỏ Tham,Sân,Si...đắm hại,

Dung hòa Bi Trí Dũng Hiền từ.

Tâm thành thanh tịnh luôn hành Đạo

Từ Ái Hành Thiền Hạnh Phước dư...

Phỉ báng ghét ganh Tâm chẳng động,

Trụ Thần TUỆ SĨ Bậc Chơn Sư.

    Mỹ Nga

08/07/2025 ÂL,14/06/ẤT TỴ

 

NHÂN

 

Bây giờ còn có mấy chân sư

Hay chỉ toàn là những thói hư

Hái lộc trên cây mai lủng lẳng

Cầu tài dưới gối kẻ nhân từ

Phóng sinh chim cá bòn công thiếu

Dâng hiến bạc tiền lấy của dư

Con cháu đời sau thôi cực khổ

Vì nay tìm được bậc thầy sư.

2025-07-09

  Võ Ngô

 

BẬC THIỀN SƯ

 

Sáng danh Tuệ Sĩ một thiền sư

Nổi tiếng cao nhân bậc đức từ

Quán niệm tri hành kinh Phật Pháp

Trí tâm xa lánh cuộc phù hư

Văn thơ thanh thoát tình nhân thế

Thiện khẩu xa vời chuyện vãn dư

Tu tập tĩnh hằng lòng tự tại

Uyên nguyên trầm lặng bóng nhà sư.

Lê Mỹ Hoàn

    6/2025

 

HOẠ DỊ ĐOAN

 

Mắc phải nan y, cậy pháp sư,

Dị đoan mê tín bọn huyền hư (*)

Tàn hương ép uống dù không muốn,

Nước thải buồn nôn dẫu chối từ.

Của cải thu gom đều mất hết,

Gia tài tích lũy chẳng còn dư.

Y khoa tiến bộ không tìm đến,

Chỉ cúng tiền toi cho ngụy sư.

Đỗ Quang Vinh

   13-7-2025

(*) Huyền hư: 玄虛 = thủ đoạn, hoa chiêu làm mê hoặc lòng người

 

*Kính mời đọc bài chép lại trên mạng:

Tuệ Sỹ – Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ 


Bùi Giáng, một thi sĩ lạ lùng và kỳ vĩ, từng được thầy Tuệ Sỹ trích dẫn thơ của ông vào tác phẩm Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng.

Ngược lại, Bùi Giáng cũng đã từng phân tích, bình luận, đánh giá thơ của tri âm tri kỷ mình, thầy Tuệ Sỹ, một Bồ Tát, một trí giả thông tuệ, bậc chân tu lỗi lạc, uyên thâm.

***

Ở trong đời, sao tránh được, dù mình chẳng cố tình đâu, vậy mà cũng đôi khi mắc lỗi.

Mắc lỗi, phạm lỗi, ngoài công khai, đường hoàng xin lỗi, mình còn có thể sám hối bằng nhiều cách, một trong những kiểu sám hối ấy, là tự mình, kể lại câu chuyện mà mình mắc sai lầm ở trỏng. Tỉ như chuyện này của Bùi Giáng, ông kể hoài kể hủy, khi có dịp.

Bữa nọ, thầy Tuệ Sỹ đọc cho Bùi Giáng nghe hai câu thơ chữ Hán thầy làm:

Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi

Dịch ra là:

Đêm khuya gió thổi đùa bóng nghiệp
Trước mắt làm liễu lạc hoa bay

Rồi thầy nói, làm sao tiếp cho hai câu, để nên một bài tứ tuyệt. Bùi Giáng ghẹo, tôi đề nghị, nhờ ni cô Trí Hải tiếp giùm. Thầy Tuệ Sỹ nghe xong thì ngượng nghịu, rầy: đừng nên giỡn đùa như thế.

Thấy vậy, Bùi Giáng năn nỉ, thôi, thầy đừng có bực mình nữa, rồi làm hai câu nối vào:

Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ
Trí Hải đa tàm trúc loạn ty

Dịch ra là:

Tâm sự lâng lâng, dòng lệ khổ
Hổ thẹn với biển trí vì chưa thâu đắc được, rừng trúc rối như tơ.

Chẳng nói chẳng rằng, hai bữa sau, thầy Tuệ Sỹ lại đưa tiếp cho Bùi Giáng, một bài thơ có ba khổ, lúc đưa cho Bùi Giáng xem, bài thơ chưa có tựa đề:

Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn.

Bùi Giáng vừa lướt qua đã rụng rời tay chưn, hồn phi phách tán, khiếp vía đến mất ăn mất ngủ.

Phát hoảng, Bùi Giáng nói với thầy: này đại sư, ông mau mà gác hết lại chuyện viết sách của ông đi, rồi làm ơn, làm thơ tiếp nhiều cho. Kẻo nền thi ca Việt Nam này sẽ mất đi một thiên tài như ông thì uổng của lắm lắm.

***

Cô giáo dạy tôi môn lý luận văn học, vẫn cứ tấm tắc với tôi hoài, không gì thích bằng, đọc bài của một nhà thơ cảm nhận về thơ của một nhà thơ khác.

Tôi cũng đồng ý với cô Dư Khánh điều ấy, bởi, nhà lý luận phê bình ấy mà, ngoài trái tim, họ còn có cái đầu rất bén. Cái đầu ấy, chứa đủ thứ lý luận, chứa đủ mọi lý trí để mà mổ xẻ bén ngót, để mà vạch tìm đến tận các ngõ ngách, các lối dẫn vào thơ, mù mờ hay đóng kín tới đâu. Đọc bài của họ, hay thì hay rồi đấy, nhưng dù muốn dù không, nó vẫn là cuộc phẫu thuật, thậm chí, cuộc đại phẫu thuật. Người đọc, vốn không quen những bắt bẻ với thơ, những vạch lá tìm sâu với thơ, sẽ cảm thấy mất đi niềm hào hứng.

Còn nhà thơ đọc thơ của bạn thơ, họ gần như chỉ sử dụng trái tim. Họ phiêu bồng, lãng đãng cùng bài thơ ấy. Thậm chí, họ dựa vào nhau, cùng dìu nhau, chắp cánh vào trời mơ, không cần biết đến tha nhân, không thiết tha gì đến những hiện thực cơm áo gạo tiền. Họ thưởng thức thơ bằng chủ quan và trái tim nặng tình của họ.

***

Bùi Giáng đọc thơ, ngắt giọng như thế này: Đôi mắt ướt tuổi vàng / cung trời / hội cũ.

Ông nói, ngắt giọng như vậy, mới thấy được cái trang trọng dị thường của hoài niệm. Ông hỏi, hoài niệm gì? Rồi trả lời: cung trời hội cũ.

Tiếp theo, ông hỏi tới tấp: Đôi mắt ướt? Đôi mắt của ai? Vì sao ướt? Vì lệ trào hay vì quá long lanh?

Hỏi xong, chẳng thấy ai trả lời, ông bèn quay ra to nhỏ, thi sĩ xuất chúng ấy mà, họ hay có những phong thái lạ thường lắm, họ nói rất ít mà nói rất nhiều. Họ nói rất nhiều mà lại chẳng thấy gì hết. Họ nói cho họ mà như nói cả cho mọi người. Nói cho mọi người mà lại chẳng bận tâm gì về chuyện thiên hạ có nghe hay không. Vui buồn của họ chẳng giống với buồn vui của chúng ta. Nên trách họ, sẽ là lệch lạc hết cả.

Ta tưởng họ kiêu ngạo. Ta tưởng họ tàn nhẫn. Ta tưởng họ u sầu. Lầm hết. Bởi vì, đôi mắt họ, tưởng đang nhìn ở ngay đây, nhưng đầu họ, tư tưởng họ, đã miên man trong cõi mộng thần di, hồn dịch.

Quay lại bài thơ, Bùi Giáng giảng tiếp, khi thi sĩ nói không rõ, là bởi vì họ muốn giữ một khoảng trống phóng nhiệm (nghĩa là tự do, để tùy, không xen vào), vắng lặng cho thơ. Tha hồ cho chúng ta nghĩ hai, ba lối. Có thể là đôi mắt thi nhân. Có thể là đôi mắt giai nhân.

Phóng nhiệm và vắng lặng, là thứ rất cần thiết cho thơ.

***

Bùi Giáng qua câu thứ hai: Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang.

Vẫn một kiểu thắc mắc tới tấp, y vậy: Áo nào màu xanh? Màu xanh màu chàm của cô gái Mán gái Mường, gái núi nào xưa kia băng rừng và thi nhân đã ngẫu nhiên một lần nhìn đắm đuối?

Rồi như sợ bạn đọc rầy mình hồ đồ, Bùi Giáng đính chính: Tôi nói không sai sự thật mấy đâu. Tuệ Sỹ xưa kia ở Lào. Cha mẹ ông là kiều cư trên đất Thượng Lào Trung Việt. Mẹ ông thỉnh thoảng về Sài Gòn, đem quà cho ông là đôi dép, chiếc khăn quàng.

Bùi Giáng vẫn cứ hỏi như thế, sau mỗi dòng thơ: Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ / Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn. Mình là thân Bồ Tát, quanh năm kinh kệ trai chay, thế sao bỗng nhiên một phút vội vã lại dám làm thân du thủ? Dám gác bỏ kệ kinh? Dám mở cuộc thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn?

Rồi xúc động, rồi lại tự diễn giải bằng giọng cảm thấy ăn năn, hối lỗi, như đã cố tình dồn một bậc đức cao vọng trọng vào cái lẽ rất đời thường, phàm tục: Phải có nhìn thấy khuôn mặt khắc khổ chân tu của Tuệ Sỹ, mới kinh hoàng vì lời nói thăm thẳm đơn sơ nọ. Lời nói như ngân lên từ đáy sâu linh hồn tiền kiếp, từ một quê hương trên thượng du bao la, rừng núi gió sương canh chiều nguyệt rung rinh trong đêm lạnh.

***

Mối tình rộng, thả suốt biển non im lìm, lạnh lẽo. Một nếp u uẩn của lòng mình bơ vơ không gột rửa: Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở / Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan.

Và hỏi: Thi nhân đã mấy phen ngồi ngó trăng tàn? Ngồi trên một đỉnh đá? Bốn bề rừng thiêng giăng rộng ngút ngàn màu trăng xanh, tiếp giáp tới chân trời xa xuôi đại hải?

Rồi tự trả lời: Đỉnh đá và hạt muối là hai chốn kết tụ tinh thể của núi và biển. Đỉnh đá quy tụ về, mọi hương màu trời mây rừng rú. Hạt muối chứa chất lượng hải hàm của trùng dương. Đó là cái bất tận của tâm tình dừng, sững, giữa tuyết nguyệt phiêu du.

Một tiếng “buồn chăng”, lơ lửng nửa như chất vấn, nửa như ngậm ngùi ta thán, dìu về cả một khúc tâm thanh đoạn trường: Cười với nắng một ngày sao chóng thế / Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng.

***

Vừa nhắc đến Kiều, là Bùi Giáng lấy luôn hai câu thơ: sen tàn cúc lại nở hoa / sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân, trong cái đoạn Thúc Sinh về nhà mà nhớ Kiều quá chừng là nhớ, mang ghép vào với hai câu của thầy Tuệ Sỹ trong khổ thơ thứ ba:

Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Rồi Bùi Giáng dặn, nhớ ngắt câu thơ khi đọc. Có ngắt, thì mới thấy được tiết điệu rạc rời như gót mỏi đi quanh: Đếm tóc bạc / tuổi đời / chưa / đủ / Bụi đường dài / gót / mỏi / đi / quanh.

Bày cách ngắt thơ xong, Bùi Giáng hỏi nữa. Là hỏi tác giả, nhưng không chờ tác giả trả lời, Bùi Giáng tự trả lời luôn. Một mình Bùi Giáng đóng hai vai. Bùi Giáng thích thế mà. Nên thơ Bùi Giáng, luôn là thơ mở, thơ đối thoại. Không giống như một số nhà thơ khác, thích làm loại thơ tự sự, độc thoại, một mình, khép kín.

Dạy văn, các bạn biết không, là cũng hỏi tới tấp như thế đó. Dạy văn, không có nghĩa là giảng liên tu bất tận. Tất nhiên là trừ lúc cao hứng quá, giảng đến chỗ mà mình sướng quá, thì cũng đôi khi. Nhưng thầy giỏi là thầy buộc được trò, chúng phải tự giảng cho chúng nghe, bằng một loạt các câu hỏi thiệt hay. Hỏi hay, đỡ mất thời gian. Hỏi hay, như bắn tên vậy, buông ra là trúng hồng tâm, tránh được lan man, tránh lạc ra khỏi đề tài.

Như Bùi Giáng nãy giờ vậy đó.

Bùi Giáng hỏi như thế này: Một tuổi đời chưa đủ? Một tuổi xuân chưa vừa? Một tuổi vàng sớm chấm dứt? Một tuổi đá sớm từ giã mọi yêu thương?

Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa / ngược nước / xuôi ngàn.

***

Kết thúc, Bùi Giáng viết: Bài thơ dừng lại. Dư âm bất tuyệt kéo dài trong đêm, lữ thứ khép mình trong bốn bức tường với nhạt nhòa ủ rũ, ngục tù.

Viết như Bùi Giáng ở trên, người ta kêu bằng luận, tức mở rộng vấn đề. Nhưng cũng chỉ mở rộng theo kiểu he hé, gợi ý, đó là hình ảnh, là tâm sự của lữ thứ trong bốn bức tường ủ rũ, ngục tù.

Cuối cùng, Bùi Giáng đánh giá: Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương.

Nghĩa là, từ đông sang tây, nghĩa là, từ cổ điển đến hiện đại, chỉ bằng mỗi bài thơ này thôi, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết thảy.

Tất nhiên, đây là ý kiến riêng của Bùi Giáng. Qua đó mới thấy, tình tri âm tri kỷ của họ có được là bởi, không chỉ kính trọng nhau, ở họ còn là lòng mến mộ nhau rất mực.

Mến mộ nhau rất mực, nghĩa là thương mến, nghĩa là ngưỡng mộ tài hoa nhau, ở mức cao nhứt, có thể!

***

Ngày 24.11.2023, tôi cũng có viết một bài tưởng niệm thầy Tuệ Sỹ khi nghe tin thầy qua đời. Thấm thoát mà đã hơn ba tháng.

KHUNG TRỜI CŨ

Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn.

Từ thời còn đi học, tôi đã thích lắm bài thơ Khung Trời Cũ. Thích, nhưng thú thực, cũng không rõ mình thích vì cái gì. Kiểu như, đọc lên, nghe êm êm, kiểu như, đọc lên, nghe rất thơ, thì thích vậy đó.

Khung Trời Cũ là một bài thơ trữ tình. Bài thơ là những cảm xúc, những suy tư, tâm tình của một vị thiền sư.

***

Giọng thơ, ngay từ đầu, chậm rãi, điềm tĩnh: Đôi mắt ướt/ tuổi vàng/ cung trời hội cũ. Đọc lên, dưng không, tôi nhớ đến lời một bài hát của Trịnh Công Sơn, tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay.

Cái màu vàng của lá, màu vàng của hoàng hôn, màu vàng của bụi đường quan san gió dậy, khi nào cũng dễ làm chúng ta ngậm ngùi. Nó là bằng chứng của tháng ngày nối tiếp nhau qua, như bốn mùa, như tuổi đời đi qua, không sao cản lại được, không cách chi ngăn lại được.

Ở đây cũng xin nói thêm, có bản thơ ghi là “khung” trời hội cũ, nhưng theo thủ bút của thầy để lại, thì đó là “cung”.

Khung, nghe gò bó, hạn hẹp. Còn cung, tưởng như, ai đang vung cọ, vẽ lên một nửa của vòng tròn, bao la, bát ngát trên vòm trời mênh mông, rộng lớn.

Vậy “hội” là gì, “cung trời hội cũ” hiểu như thế nào cho đúng đây?

Thưa, thơ không có đúng sai. Thơ, lại càng không cần phải hiểu cho rốt ráo, cho tỉ mỉ, cho chi tiết, cho đúng với tinh thần ban đầu của người viết. Làm thơ là chuyện của tác giả. Cảm nhận là việc của bạn đọc. Tác giả không có nghĩa vụ giải thích tất cả các thắc mắc của bạn đọc. Đến chỗ này, tôi chợt nhớ đến câu khẳng định của tiểu luận gia Đặng Tiến: Thơ, là quyền uy tối thượng.

“Hội” hiểu là hội ngộ, hiểu là hội tụ, được không? Một dạng của quy tụ, của quay về, của tập hợp những người đồng chí hướng. Và tác giả, trong một ngày bỗng sực nhớ ra. Sực nhớ ra, tuổi mình đang ngày mỗi vàng đi, sực nhớ ra, mỗi ngày mình đang mỗi xa dần những ngày vui thuở nao, thuở còn người mến thương người, thuở chung tay nhau, hết lòng xiển dương chánh đạo, vun đắp nguồn nhơn ái, từ bi.

Và mắt ướt nữa? Mắt ướt vì cơn gió buốt đầu thu? Mắt ướt vì lá vườn ai đốt khói? Hay mắt ướt là bởi lòng hoài vọng cứ mãi sóng cuộn dâng?

Chính vì tuổi rồi sẽ vàng, nên mới, một cảm thán tiếp theo: Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang.

Làm sao mà xanh hoài được chớ, áo cỏ cây, áo gió mây, áo muông thú, áo con người, áo thiên nhiên. Không xanh mãi, đó chính là quy luật.

Biết là quy luật, biết là không thể khác, vậy mà, cũng đã có lúc, đọng kìa nơi khóe mắt, cũng đã có lúc, thấy mình như gấp gáp: Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ.

Để rồi ngay lập tức, nghe lòng mình ân hận, nên, cần lắm một đêm: Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn.

Tuổi thì vàng, áo thì không xanh mãi, và, trăng kia sẽ rồi tàn. Tất cả, tất cả, đều là những vô thường, đến rồi đi, có rồi mất. Quy luật.

***

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Núi thì cứ mãi cao vời, đỉnh đầu non giá lạnh. Biển thì mãi trong lòng, hằng hà sa số muối, chẳng tan. Chúng bền bỉ và kiên gan.

Chỉ mỗi ta, sao chóng thế, cười ngắn, nắng tàn. Và đông hạ, nay mai, đổi thay xoành xoạch.

Sau những thảng thốt ấy, tác giả sững sờ: buồn chăng.

“Buồn chăng” ở đây, là câu hỏi hay câu cảm? Cả hai. Hỏi người, hỏi ta, rồi tự thú – buồn, buồn lắm. Sao mà không buồn cho được, khi, kiếp nhân sinh ngắn ngủi quá, quay đi quay lại, chưa đủ mộng tang bồng, thì, đã tận!

***

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn.

“Đếm tóc bạc” ở đây, là hình ảnh tượng trưng, ước lệ. Chưa đủ trăm năm mà tóc trắng đã vầng mây. Mà bụi đường mịt mùng, mà gót mỏi quẩn quanh. Quẩn quanh, bốn vách tường ủ rũ.

Những động từ “đếm, đi, ngó”, những tính từ “bạc, dài, mỏi, ủ rũ”, chúng được xếp cạnh nhau, khiến thơ mang một nhịp đều, một nhịp buồn, vô tận.

Đời chưa đủ. Việc chưa xong. Còn bao dở dang. Còn bao ước vọng. Thì, đã: Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn.

Muôn con nước đã hội tụ về, chờ xuôi ngàn – cung trời hội cũ!

***

Bài thơ thiệt buồn. Đọc lên thôi, nghe cũng đã buồn, huống hồ phân tích, diễn giải, nỗi buồn nghe lại càng nhiều hơn lên.

Bài thơ cho ta hiểu thêm về thầy Tuệ Sỹ, một đời không của nả tư riêng, không màng quyền cao chức trọng, lại càng không màng cái gọi là chùa lớn, chùa to. Chỉ với chiếc áo lam màu cũ kỹ, trong sạch, thanh cao, chỉ với căn phòng nhỏ, miệt mài viết sách, miệt mài suy tư, làm sao cho non nước, quê hương đặng thái bình, làm sao cho chúng sanh bớt khổ.

Cuộc đời thầy, một cuộc đời của hiến tặng, cho đi.

Tôi viết bài này lúc kim đồng hồ chỉ nhích hơn bốn giờ chiều nay, lúc đọc đầu tiên trên trang anh Trần Triết, và Vũ, nhẹ nhàng những câu chia xa. Biết là thầy Tuệ Sỹ đã viên tịch.

Vậy mà, vẫn cảm giác như, đâu đây, thấp thoáng – đôi mắt ướt, tuổi vàng, cung trời hội cũ!

Sàigon

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!