rong chơi
dung dăng nửa tháng xứ hoa đào
cảnh đẹp mê hồn... thỏa ước ao!
hỏi lối đi thăm nơi tĩnh lặng
tìm đường đến viếng chốn thanh cao
kìa đền tráng lệ xông hương khói
nọ tượng uy nghiêm rạng kiếm bào
lất phất mưa bay... dài cổ tích
ngày rời nhật bản... thấy nao nao
anh khờ
Thơ Họa:
CHƠI XỨ HOA ĐÀO
Hoàng mai đã tỏ, khoái hồng đào
Ước mấy năm chừ được thỏa ao
Dưới lũng ngời hoa tràn xuống thẳm
Trên đồi mướt nụ vút lên cao
Lừng hương viễn địa thơm kiều nữ
Ngát dạ chinh nhân nhẹ chiến bào
Bì bạch vỗ về mơn tuyết trắng
Trăng lồng suối chảy giục nôn nao
Lý Đức Quỳnh
2/7/2025
SI TÌNH
Mơn mởn làn da ửng sắc đào
Cô em kiều diễm đứng bờ ao
Làn môi hồng thắm ngây thơ hé
Vóc dáng thon gầy dong dỏng cao
Mắt ngó xa xăm dường ngóng đợi
Tay vò bứt rứt tựa nôn nao
Anh ngơ ngẩn ngắm, lòng mê mẩn
Nóng rực buồng tim lửa đốt bào.
Sông Thu
( 03/07/2025 )
NÀO DÁM TRÈO CAO
Người về nơi ấy xứ anh đào
Ta chỉ là thằng lấm đất ao
Cây dại nên cam đành ngó xuống
Thân hèn đâu dám với trèo cao
Chân tình cũng chẳng xui lòng luyến
Nhẫn cỏ khó mà khiến dạ nao
Ôm ấp giấc mơ trong tuyệt vọng
Máu như ngừng chảy, nỗi đau bào!.
LAN.
(03/07/2025).
THIÊN THAI
Chuyện xưa Lưu Nguyễn lạc rừng đào
Sào cấm lan thuyền khói quyện ao .
Sóng nước âm ba khi thoảng nhẹ
Nghê thường đàn khúc lúc dâng cao.
Đê mê bướm khách xao hồn phách
Tha thướt thiên tiên lộng tuyết bào.
Trở lại làng quê quyên gợi nhớ
Bồng lai cửa động biết nơi nao!
Mailoc
06-02-25
LƯU GHI KỶ NIỆM
Mơ mộng sang thăm viếng xứ đào,
Ngắm nhìn thôn nữ dáng bên ao.
Đôi môi mim mỉm sa tình lặng,
Mi mắt liếc vờn vút mộng cao.
Cuối xóm chùa vang kinh lóe khói,
Đầu đường tượng đứng áo nhung bào.
Bần thần tim chói in lưu sử,
Xứ Nhật bao lần nhớ xốn nao.
*
Vang danh cảnh đẹp xứ hoa đào!
HỒ NGUYỄN
(03-7-2025)
MỘT TUẦN TRÊN XỨ HOA ĐÀO
Tiết Đông nhẹ lướt nở Hoa Đào
Ẩn hiện Tuyết rơi cảnh đẹp sao?
Thành Phố về đêm càng quyến rũ
Tình yêu đôi lứa vút trời cao.
Một tuần trăng mật nhiều lưu niệm
Du khách dập dìu áo khoác bào
Bướm lượn vòng quanh Hoa sắc thắm,
Nay hồi tưởng lại dạ nao nao...
Mỹ Nga
03/07/2025 ÂL,08/06/ẤT TỴ
ĐÀ LẠT XƯA…
Ai lên Đà Lạt phố anh đào
Nước gánh đôi thùng múc dưới ao
Thiếu nữ quàng khăn len ấm lạnh
Chàng trai đội “mũ phớt” hơi cao
Hoàng triều cương thổ kia dinh thự
Bảo Đại,”vua tôi” nọ chiến bào
Cỡi ngựa đi săn người hộ vệ
Trồng rau sản xuất kẻ nôn nao…
MAI XUÂN THANH
Silicone Valley, July 03, 2025
ĐÀO
Nhớ xưa ngày đó thuở bôn đào
Leo núi vào rừng lội dưới ao
Bỏ nước ra đi lòng dạ thắt
Rời quê trốn tránh ruột gan bào
Từ thời kinh tế đang bao cấp
Giữa lúc thị trường hóa thấp cao
Chinh chiến qua rồi sao lại có...
Đoàn ghe vượt biển mấy ai nao.
2025-07-04
Võ Ngô
EM - ĐOÁ TRÚC ĐÀO
Trộm nghĩ em như đóa Trúc Đào
Mơ màng rũ bóng cạnh bờ ao
Ước sao mủ ấy đừng tươm đặc
Mong được cành kia chớ tỏa cao
Ríu rít chim chuyền say dạ đắm
Mơn man gió thoảng gợi lòng nao
Cánh mềm lay chuyển dường mây trắng
Sương đọng lung linh tựa đá bào
Songquang
20250703
DU LỊCH NHẬT BẢN
(Họa 4 vận)
Phù Tang xứ sở của anh đào
Du lịch mùa xuân đẹp biết bao
Đại Nhật Di Đà, hai tượng lớn (*)
Danh sơn Phú Sĩ, một non cao
Viếng chùa Tịnh độ thăm Thiền viện (*)
Nhấm rượu Sa kê ngắm nữ bào (*)
Ngoại cảnh lâu đài đầy ngoạn mục…
Du du ký ức cõi lòng nao.
(Phan Thượng Hải)
7/3/25
(*) Chú thích:
Tượng Đại Nhật Như lai trong Đông Đại tự ở Nara và tượng A Di Đà Phật lộ thiên ở Kamakura là 2 tượng nổi tiếng của Phật Giáo Nhật Bản.
Tịnh Độ Tông và Tịnh Độ Chơn Tông rất phổ thông và thịnh hành ở Nhật Bản, hơn cả Thiền Tông. (Tịnh độ = Pure land = Tĩnh thổ).
Áo Kimono của phụ nữ Nhật Bản (Phù Tang).
DẠO BƯỚC MÙA XUÂN
Nàng Xuân tươi thắm nụ môi đào
Hoa nở nghiêng cành tỏa mé ao
Sóng nước mây vờn tranh phản chiếu
Tóc xanh liễu rủ dáng lồng cao
Đền đài diễm lệ nhòa sương khói
Tượng đá phong sương nhạt ánh bào
Dạo bước bâng khuâng hồn sảng khoái
Dập dồn cảm xúc dạ nôn nao.
Lê Mỹ Hoàn
6/2025
CHƠI XỨ ĐÀO
Vừa mới xem hình chơi xứ đào
Nơi thần tiên cảnh lắm người ao
Cùng ta lội bộ mười chân rả
Có kẻ tạm dừng trăm bậc cao
Đất nước sạch bong không rác rưởi
Cúi đầu kính cẩn trước đồng bào
Metro hiện đại đông như kiến
Đứng ép vào nhau dạ thấy nao !
THIÊN LÝ
DU LỊCH XỨ PHÙ TANG
Cầm tay bọn trẻ ngắm hoa đào!
Mãn nguyện vô vàn thỏa ước ao!
Buổi sáng lên tàu qua phố cổ
Hôm chiều chụp ảnh viếng tầng cao
Vài anh ngưỡng mộ khen kỳ tích
Lắm kẻ chờ trông chọn áo bào
Nửa tháng dung dăng miền Nhật Bản
Mơ ngày trở lại biết chừng nao?
Như Thu
07/04/2025
CHIA TAY
Từ lâu vẫn muốn ghé thăm …đào
Cánh mỏng hồng tươi thấy đỡ …ao
Phú sĩ uy nghi màu tuyết trắng
Đền thiêng tĩnh lặng dáng thanh cao
Hồ trong nước bạc tô hang động
Lá đỏ công viên điểm …gỗ bào
Cảnh đẹp lung linh và diễm lệ
Chia tay giã biệt ,dạ lòng nao !
PHƯỢNG HỒNG
LỊCH SỬ PHẬT GIÁO NHẬT BẢN
Bs
Phan Thượng Hải biên soạn
Phật Giáo truyền từ Trung Quốc vào Nhật
Bản qua bán đảo Triều Tiên.
Năm 384, ngài Ma La Nan Đà (người Thiên Trúc)
đem Phật Giáo Trung Quốc vào thời nhà Đông Tấn truyền vào nước Bách Tế (1 trong
3 nước lúc bấy giờ ở bán đảo Triều Tiên).
Năm 552, Vua Thánh Minh Vương của nước Bách Tế sai sứ thần và Tăng lữ đem Phật Giáo truyền tới Nhật Bản vào đời vua Kemei Tenno. Phật Giáo Nhật Bản (Japanese Buddhism) bắt nguồn từ đó.
a) Thời kỳ Thiên Hoàng ở Nara
Vào thế kỷ thứ 8, hoàng triều Nhật Bản ở Nara
vững mạnh và rất tôn trọng những gì từ Trung Quốc.
Phật Giáo truyền sang và Nhật Bản cũng có những
Tông như ở Trung Quốc lúc bấy giờ. Ngoài 2 Tông Tiểu Thừa, có 4
Tông Đại Thừa của Trung Quốc:
Tam
Luận Tông (Sanron)
Duy
Thức Du Già Tông (Hosso)
Hoa
Nghiêm Tông (Kegon)
Thiên Thai Tông (Tendai)
Năm 735-737, Nhật Bản có dịch Đậu Mùa
(Smallpox). Để làm công đức cho quốc gia, Thiên hoàng Shomu dựng tượng
Đại Nhật Như Lai (Vairocana) trong chùa Todai-ji (Đông Đại Tự) ở Nara vào
năm 749.
Thiên hoàng Shomu rất ngộ đạo nên thoái vị mà quy y Tam Bảo vào tu viện và nhường ngôi cho Hoàng hậu Shotoku. Hoàng hậu dùng quan Tể tướng là 1 Tăng sĩ Tiểu Thừa, Sư Dokyo. Hoàng hậu lại thoái vị nhường ngôi cho Sư Dokyo. Rất may, triểu thần và giới quí tộc dẹp bỏ Sư Dokyo nếu không thì trong lịch sử thế giới đã có một vị Sư làm Vua!
b) Thời kỳ Thiên Hoàng ở Kyoto
*
Năm 784, Thiên Hoàng bỏ Nara và về trú ngụ ở Kyoto. Từ
đó các sư Nhật Bản tự lập những Tông của riêng Nhật Bản, thịnh
hành cho tới ngày nay: Thiên Thai, Chân Ngôn, Tịnh Độ, Nhật Liên và Thiền
Tông. Phật Giáo Nhật Bản dần dần không còn những Tông nhập cảng từ
Trung Quốc trong thời kỳ Nara.
Khác với Trung Quốc, chùa chiền và tu viện ở Nhật Bản giữ theo Tông của mình với Tín ngưỡng và Tôn thờ riêng biệt của từng Tông. Các Tông Tịnh Độ, Thiền (Lâm Tế và Tào Động), Nhật Liên, Chân Ngôn và Thiên Thai vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.
*
Thiên Thai Tông (Tendai School)
Sư Saichò (Tối
Trừng, 767-822) còn được gọi là Truyền Giáo Đại sư. Sau một thời
gian ngắn tìm đạo ở Trung Quốc, ngài trở về Nhật Bản lập Thiên Thai Tông dựa
trên kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Pháp Hoa) như Thiên Thai Tông của Trung
Quốc. Ngài lập 1 tu viện ở núi Hiei. Tuy nhiên Saicho
nhấn mạnh 1 điểm và sáng tạo ra 2 trọng điểm khác:
1.
Saicho nhấn mạnh: "Mỗi nhân mạng (human being) đều có Liên hoa trong
mình".
2.
Tăng sĩ phải theo kỹ luật của tu viện nhất là phải tu học Thiền Định và Thiền
Quán 12 năm ở tu viện Hiei.
3.
Theo Bồ Tát thệ nguyện, Tăng sĩ còn phải thề trung thành với quốc gia Đại
Nhật Bản.
Saichò còn liên hiệp với Thần Đạo (Shinto religion). Ngài thờ "Sơn Thần" của Thần Đạo.
Sau khi Saichò viên tịch, đền thờ và tu viện cất khắp núi Hiei. Cao điểm của thời gian nầy có khoảng 7000 ngôi đền chùa ở đây. Đại đa số không còn nữa sau thế kỷ thứ 17.
Một Tăng sĩ Thiên Thai Tông là Ennin (794-864) sang Trung Quốc và trở về Nhật Bản sau khi học tập về Mandala của Mật Giáo. Từ đó Thiên Thai Tông Nhật Bản chịu ảnh hưởng thêm triết lý và tín ngưỡng Mật Giáo.
Từ thế kỷ thứ 11, có sự tranh chấp giữa Thiên Thai Tông và Duy Thức Tông (Hosso School) sinh ra bạo lực. Tăng sĩ Thiên Thai Tông nhất là ở tu viện của núi Hiei trở thành Võ sĩ (Warrior monk). Chiến tranh với chính quyền quân chủ ở Kyoto làm nhiều đền chùa ở núi Hiei bị phá hủy.
*
Chân Ngôn Tông (Shingon School)
Sư Kukai (Không Hải, 774-835)
sang Trung Quốc làm học trò của Huệ Quả. Sư Huệ Quả là học trò của Bất
Không Kim Cương, 1 trong 4 người sáng lập Mật Tông Trung Quốc. Kukai
được truyển giáo lý Thai Tạng Giới và Kim Cương Giới.
Kukai trở về Nhật Bản lập ra Chân Ngôn Tông theo đúng giáo lý và tín ngưỡng của Mật Giáo Trung Quốc.
Chân Ngôn Tông và Thiên Thai Tông làm đầu Phật Giáo Nhật Bản cho đến thế kỷ thứ 12. Chân Ngôn Tông ở Nhật Bản còn phổ thông hơn Mật Tông Trung Quốc.
*
Tịnh Độ Tông (Jòdo School = Pure Land
School)
Tịnh Độ Chân Tông (Jòdo Shinshu School = True Pure Land Buddhism = Shin Buddhism)
Sư Hònen (Pháp Nhiên, 1133-1212) nguyên là 1 Tăng sĩ Thiên Thai Tông ở núi Hiei nhưng bất đồng và lập ra Tịnh Độ Tông chuyên niệm Phật A Di Đà (giống như Tịnh Độ Tông của Trung Quốc).
Học trò của Hònen là sư Shinran (Thân
Loan, 1173-1262) cho rằng tình thương của Phật A Di Đà bao trùm cả Tăng sĩ
và Cư sĩ (Monk and Layman), cả người lập gia đình và có con cái. Từ
đó ngài lập ra Tịnh Độ Chân Tông.
Tịnh Độ Chân Tông không có Tăng đoàn mà chỉ có những Cư sĩ tại gia có gia đình. Các cấp lãnh tụ kế thừa theo phép cha truyền con nối. Shinran có vợ (Eshinni) và 2 người có 7 người con.
*
Nhật Liên Tông (Nichiren School)
Sư Nichiren (Nhật Liên, 1222-1282) là một Phật tử lạ lùng nhất trong lịch sử Phật Giáo. Lúc đầu Ngài theo Thiên Thai Tông. Thiên Thai Tông dựa trên kinh Pháp Hoa (Lotus sutra). Sau khi nghiên cứu kỹ kinh Pháp Hoa, sư Nhật Liên cho rằng không những Phật Giáo phải theo giáo điều và những tiên tri có sẵn trong kinh nầy mà ngay cả chánh quyền cũng phải theo kinh Pháp Hoa. Vì vậy Ngài bị chính quyền trung ương ở Kyoto đày ra đảo Izu. Sau đó Ngài tiên đoán là Mông Cổ sẽ tấn công Nhật Bản thế là Ngài bị đem ra pháp trường xử tử. Phép lạ diễn ra: khi đao phủ dơ lưỡi đao lên chém đầu sư Nhật Liên thì lưỡi đao bị sét đánh trúng! Nhật Liên thoát chết và bị đày ra đảo Sado.
Sư Nhật Liên tin rằng mình là Bồ Tát
Visishtacarita (Nhật Bản là Jogyo) trong kinh Pháp Hoa.
Phương pháp tu của Sư Nhật Liên là tu học dựa trên Mandala do Sư chế ra và nhất là niệm "Nam Mô Pháp Hoa Kinh". Ngài tin rằng chỉ niệm 1 lần dù trong 1 năm cũng được cứu độ thành Phật. Ngài đã kích niệm "Nam Mô A Di Đà Phật" của Tịnh Độ Tông.
Nhật Liên Tông còn có khi gọi là Pháp Hoa Tông. Nhật Liên Tông tồn tại cho tới ngày nay dù chia ra nhiều chi phái và thu hút tín đồ ở Âu châu và Mỹ.
c) Thời kỳ Mạc Phủ (ở Kamakura)
*
Thiền Tông (Zen School)
Thiền Tông đến Nhật Bản vào thế kỷ 12 khi giới quí tộc lãnh đạo ở Kyoto mất quyền lực về tay giai cấp quân đội ở Kamakura. Năm 1156, thị tộc Taira đã kiểm soát phân nửa nước Nhật Bản thiết lập quyền Lãnh chúa ở Kamakura và Thiên Hoàng ở Kyoto chỉ là bù nhìn. 30 năm sau, sau những chiến trận tàn khốc, thị tộc Taira thua đối thủ của mình là thị tộc Minamoto. Năm 1192, Minamoto Yoritomo thành Mạc Chúa đầu tiên (1st Shògun), đóng ở Kamakura (Liêm Thương) . Chế độ của Mạc Chúa, gọi là Mạc Phủ,tiếp tục cho tới năm 1868, khi quyền lực trở về với Thiên Hoàng (trong thời Minh Trị).
Một năm trước đó (1191), Sư Eisai
(Vinh Tây, 1141-1215) trở về từ Trung Quốc đem theo với ngài 2 thứ:
Thiền Tông Lâm Tế (Rinzai Zen) và Trà. Trà được Eisai
xem như là "món thuốc tuyệt vời nhất" và "bí mật của trường thọ"
nhanh chóng trở thành Thức uống Quốc gia của Nhật Bản. Sự pha chế
Trà bằng Thiền sư sau đó phát triển thành Nhật Bản Trà Đạo đặc biệt. Giới
quí tộc Kyoto thích Trà Đạo nhưng không hoan nghênh Thiền Tông vì lúc đó họ đã
quen với Thiên Thai Tông, Chân Ngôn Tông và Tịnh Độ Tông. Hơn nữa việc
tu hành của Thiền Tông đòi hỏi nhiều công phu và Thiền Tông được coi là du nhập
từ Trung Quốc, không còn đúng theo thời trang lúc bấy giờ ở
Kyoto. Tuy nhiên Võ sĩ đạo của giai cấp võ sĩ (samurai) của Mạc Chúa
(Shogun) ở Kamakura lại chuộng Thiền Tông vì họ dùng để tập trung khi chiến đấu. Do
đó Thiền Tông được phổ biến.
Thiền Tông Lâm Tế của Eisai thiêng về Công Án.
Thiền Tông Tào Động (Sòtò Zen) của Nhật Bản có từ sư Dogen (1200-1253). Bắt đầu từ Thiên Thai Tông, Dogen theo học trong Thiền viện của Eisai. Sau khi Eisai chết (1215), Dogen sang Trung Quốc. Do duyên may, ngài chuyển từ Lâm Tế sang học và chuộng Tọa Thiền của Thiền Tông Tào Động từ Thiền sư Thiên Đồng Như Tịnh. Khi trở về Nhật Bản, Dogen lập Thiền Tông Tào Động chuyên về Tọa Thiền. Dogen còn viết nhiều tác phẩm về Thiền Tông nói riêng và Phật Giáo nói chung.
*
Khác với Trung Quốc, chùa chiền và tu viện ở Nhật Bản giữ theo Tông của mình với Tín ngưỡng và Tôn thờ riêng biệt. Các Tông Tịnh Độ, Thiền, Nhật Liên, Chân Ngôn và Thiên Thai vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
*Bài viết này là trích đoạn của
bài “Lịch Sử Phật Giáo” (Bs Phan Thượng Hải) đăng lần đầu trong phanthuonghai.com trong mục Văn Hóa phần Phật Giáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!