Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

HỒN THIÊNG NGHĨA SĨ-Lý Đức Quỳnh và Thi Hữu


HỒN THIÊNG NGHĨA SĨ

Thiêng liêng nghĩa sĩ Ngụy Văn Thà*
Hóa thể linh hồn dân tộc ta
Một thuở hy sinh ngoài hải trận
Muôn đời bất tử với Hoàng Sa
Khúc hành vọng mãi lương tri Việt
Bản xướng vang lừng chính khí ca
Giữa lúc trời quê tràn hiểm họa
Buôn dân bán nước mãi manh nha…

Lý Đức Quỳnh
   18/1/2019

*Mang tính biểu tượng cho 74 Tử Sĩ

Bài Họa:

NHỚ ƠN NGƯỜI...

Tổ quốc ghi ơn Hạm Trưởng Thà
Tên người rạng rỡ ấm lòng ta
Hiên ngang chống trả quân tàu cướp
Hùng dũng tuôn trào giọt máu sa           
Trời khóc đầm đìa thương Nhật Tảo
Sóng gào mạnh mẽ khắc lời ca
Trầm hương tỏa ngát trao về biển
Ai nỡ vô tình sống nhởn nha?

Như Thu

TƯỞNG NIỆM TRẬN HOÀNG SA
(Anh hùng Ngụy Văn Thà)

Sử sách ghi tên chiến hữu Thà
Ngày nào giữ biển đảo quê ta
Xông mình quyết đánh dàn quân sự
Dấn mạng không ngừng thủ hải sa
Áo bạc phong sương đời dũng sĩ
Vai sờn gió bụi bản hùng ca
Người luôn sống mãi lòng dân tộc
Nghĩa khí ông làm giặc sợ nha

  Minh Thuý
18 tháng 1_2019

SOI NƯỚC VỠ

Hải Quân Thiếu Tá Nguỵ Văn Thà
Chiến đấu kiên cường giữ biển ta
Soái hạm tung hoành ngăn lửa cuốn
Anh hùng bất khuất đội " bom " sa
Bốn bề sóng cuộn mây vần vũ
Một mảnh hồn vương khúc biệt ca
Cúi lạy quê hương, soi nước vỡ
Máu đào lính thuỷ ngập tầu nha ...

     Hawthorne  19 - 1 – 2019
CAO MỴ NHÂN

ANH HÙNG NGUỴ VĂN THÀ

Tàu Trung Cộng khiếp Nguỵ Văn Thà,
Tài đức hùng anh của nước ta.
Chiến đấu gan lì ngoài hải đảo,
Chỉ huy trí dũng giữa Hoàng Sa.
Chết theo Chiến hạm đầy oanh liệt,
Giữ vững lòng son đáng ngợi ca.
Trận đánh kiên cường trên sóng bể…
Hải Quân Nam Việt sáng danh nha !

LIÊU XUYÊN

GƯƠNG SÁNG

Đất nước mang ơn Thiếu tá Thà
Người hùng muôn thuở của dân ta
Giang san không nhượng cho tàu khựa
Chiến sĩ đã giành lại đảo Sa
Bảy bốn...ngời danh ngài Hạm Trưởng
Ngàn năm...rạng tiếng bản hùng ca
Ai ơi lấy đó làm gương sáng
Chớ có nhát hèn ...Nhục lắm nha !!!

Thy Lệ Trang

TƯỞNG NIỆM ANH HÙNG HOÀNG SA
(Họa bốn vận)

Vinh danh Hạm trưởng Ngụy Văn Thà,
Bảy bốn đoàn viên, chiến hữu ta.
Tuẫn tiết theo tàu chìm đáy biển,
Hy sinh thân mạng  giữ Hoàng Sa.
Toàn dân hãnh diện luôn ghi nhớ,
Liệt sĩ anh hùng đáng ngợi ca.
Một lũ tham quan không biết nhục,
Vẫn còn cõng rắn cắn gà nhà !

Chánh Minh
21/1/2019

NHỚ MÃI HOÀNG SA

Bốn lăm năm nhớ mãi Hoàng Sa
Ruột thắt lòng ̣đau vận nước nhà
Hận quân cướp nước giặc phương Bắc
Xua quân cưỡng chiếm biển đảo ta
Hải chiến Hoàng Sa trang sử máu
Lưu danh muôn thuở Ngụy Văn Thà
Bảy mươi bốn Hải quân oanh liệt
Vị Quốc vong thân giữ sơn hà

Phạm Thọ
22-1-2019

TRẬN HOÀNG SA

Bảy tư tử sĩ Trận Anh Thà
Vị quốc vong thân Tổ Quốc ta
Chiến đấu anh hùng đây hải đảo
Hy sinh dũng cảm đó Hoàng Sa
Đồng bào tưởng niệm người yêu nước
Công chúng dâng hương nghĩa khí ca
Thương tiếc đệ huynh gương lịch sử
Đau lòng hỗ thẹn bọn sai nha...(!)

Mai Xuân Thanh
Ngày 22/01/2019

VINH DANH HẠM TRƯỞNG
NGỤY VĂN THÀ

Tổ quốc ghi ơn hạm trưởng Thà
Chết cùng tàu sóng nhói lòng ta
Chỉ huy cương quyết lời tim gọi
Chiến đấu kiên cường giọt máu sa
Một thưở danh thơm đời dũng sĩ
Ngàn năm nước sáng khúc hùng ca
Hận quân xâm lược trời giông bão
Mưa chẳng vô tình rớt nhởn nha

Trầm Vân

TRÊN SÓNG BIỂN

Hải quân chiến sĩ Nguỵ Văn Thà
Thủy chiến lừng danh địch nể ta
Khí thế hào hùng bom nổ dọc
Tử sinh anh dũng đạn mưa sa
Tướng quân tử tiết danh muôn thuở
Hạm trưởng hy sinh tiếng ngợi ca
Trận chiến năm Dần trên sóng biển
Ngàn năm Việt sử rạng danh nha

Kiều Mộng Hà
Jan 25-2019

VINH DANH NGỤY VĂN THÀ

Vinh danh Trung Tá Hải Quân Thà
Trận chiến Bảy Tư giặc đấu ta
Diệt bọn Cộng Tầu xâm biển đảo
Đánh loài bành trướng chiếm Hoàng Sa
Tuần Dương muôn thuở dân thương tiếc
Nhật Tảo nghìn đời sử ngợi ca
Lệnh lính thoát an, ngoài Hạm Trưởng
Oai hùm khiến Chệt hãi hùng nha!

Phương Hoa
Jan 29th 2019

SAO ĐÀNH

Trời Nam dẫu quỷ,chứ không thà
Đất Bắc vương hầu phản nước ta
Đối mặt thù vây cùng giặc chống
Đương đầu bão táp với mưa sa
Non sông rạng rỡ dòng linh khí
Dân tộc huy hoàng khúc tráng ca
Đã bốn nghìn năm gìn tự chủ
Sao đành sấp mặt ghế sai nha?!

Lý Đức Quỳnh

                                        *****
        LỜI TỬ SĨ

Nhạc&Lời: Thủy Lâm Synh
Ca sĩ: Lê Minh Trung
 Hòa âm: NS Nguyễn Duy
Video: Khang Hoàng Thúc.

        

Ngày này cách đây 45 năm (1974 - 2019) - 2:
BA ĐIỆN TÍN CỦA BỘ NGOẠI GIAO MỸ VỀ BIẾN CỐ HOÀNG SA THÁNG 1 NĂM 1974
TRẦN ĐỨC ANH SƠN (tổng thuật)
Từ ngày 16/1 đến ngày 19/1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm các nhóm đảo phía tây nam thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Lực lượng đồn trú của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) trên đảo, cùng với hải quân vừa được tăng cường từ đất liền đã giao chiến với quân Trung Quốc, nhưng do tương quan lực lượng bất cân xứng nên đã để mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc.
Do không thể dùng hải quân để tái chiếm các đảo, nên chính quyền VNCH dự định dùng không quân để phản công giành lại Hoàng Sa. Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Quốc Hưng, Phụ tá tham mưu phó hành quân của Bộ Tư lệnh Không quân Việt Nam Cộng hòa, với TS. Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ VNCH, kiêm cố vấn của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, thì ngày 19/1/1974, ông Thiệu đã ra mật lệnh cho Tư lệnh Không quân VNCH điều động máy bay chiến đấu siêu thanh F5-E ra oanh kích, phản công quân Trung Quốc để giành lại quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 19/1/1974, Tư lệnh Không quân VNCH đã điều 5 phi đoàn F5-E, gồm 4 phi đoàn ở Biên Hòa và 1 phi đoàn ở Đà Nẵng, mỗi phi đoàn gồm 24 máy bay và 120 phi công, tập kết về sân bay Đà Nẵng chuẩn bị tái chiếm Hoàng Sa. Trong những ngày này, máy bay do thám RF5 của VNCH đã liên tục bay thám thính lực lượng Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa, chụp ảnh và cung cấp thông tin để không quân chuẩn bị phương án tác chiến.
Cũng trong ngày 19/1/1974, 2 phi đoàn F5-E của Không lực VNCH tại Đà Nẵng, mỗi phi đoàn gồm 2 chiếc, đã 2 lần cất cánh ra khơi, nhưng vừa bay được khoảng trên 100 dặm thì được lệnh phải quay trở lại. (Nguyễn Tiến Hưng, “Tổng thống Thiệu và hải chiến Hoàng Sa, BBC, ngày 7/3/2017).
Chính quyền VNCH đã hủy bỏ lệnh tái chiếm Hoàng Sa bằng không quân, để cho Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ đó đến nay. Vì sao có sự thay đổi này?
Một số tài liệu liên quan đến trận “hải chiến Hoàng Sa” được công bố trong thời gian qua cho rằng: do Mỹ đã bắt tay với Trung Quốc trong vấn đề Hoàng Sa, không ứng cứu lực lượng VNCH khiến Hoàng Sa thất thủ, đồng thời ngăn cản VNCH phản công tái chiếm Hoàng Sa; hoặc do phía VNCH do tự lượng sức mình, thấy khó có thể tái chiếm Hoàng Sa nếu không có sự yểm trợ từ phía Mỹ nên đã ngưng việc phản công. Tuy nhiên, đó chỉ là những phỏng đoán chưa được kiểm chứng.
Trong số những tài liệu mật về chiến tranh Việt Nam được phía Mỹ giải mật trong thời gian gần đây, có 3 điện tín trao đổi giữa Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington D.C với Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 1/1974. Nội dung 3 điện tín này sẽ làm sáng tỏ vì sao Tổng thống VNCH hủy bỏ kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa bằng không quân.
* ĐIỆN TÍN TỪ WASHINGTON D.C
Trong bài viết đăng trên BBC ngày 7/3/2017 đã dẫn trên đây, ông Nguyễn Tiến Hưng có công bố nội dung một bức điện tín, mức độ KHẨN - MẬT, do Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger gửi cho Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn là Graham Martin vào ngày 19/1/1974. Nội dung bức điện như sau (bản dịch nguyên văn):
“Mật điện Bộ Ngoại giao 012641
1. Xung đột quân sự tại Hoàng Sa đã đưa đến thương vong cho VNCH với hai chiến hạm bị tên lửa STYX của Trung Quốc bắn chìm. Chính phủ VNCH có yêu cầu Mỹ giúp tìm kiếm và cứu vớt các nạn nhân. Tình hình thêm phức tạp vì báo cáo là trên đảo Pattle [đảo Hoàng Sa, nơi có lực lượng VNCH đóng quân] lại có một nhân viên dân sự Mỹ làm việc cho Văn phòng Tùy viên ở Đà Nẵng. Chúng tôi không hiểu tại sao người này lại có mặt ở đó.
2. Bộ Ngoại giao đã yêu cầu Bộ Quốc phòng ra lệnh cho Hải quân Mỹ tránh khỏi khu vực này. Hai ngày trước đây [17/1/1974] chúng tôi [Kissinger] có bàn luận với Đại sứ Martin qua điện thoại và bày tỏ ý muốn của chúng tôi là tình hình phải được hạ nhiệt…
3. Thông cáo của Bộ Ngoại giao gửi cho báo chí về vụ này sẽ nói theo những điểm như sau:
- Chính phủ Mỹ không đứng về phe nào trong việc tranh chấp Hoàng Sa nhưng hết sức mong muốn là sự tranh chấp được giải quyết trong hòa bình.
- Lực lượng quân sự Mỹ không dính líu gì vào xung đột này.
4. Chúng tôi yêu cầu Tòa Đại sứ ở Sài Gòn tư vấn cho chính phủ VNCH chỉ nên có những hành động tối thiểu để tự vệ và để cứu vớt nạn nhân (và người nhân viên Mỹ ở trên đảo) nhưng làm tất cả những gì có thể để tránh đụng độ trực tiếp thêm nữa với lực lượng Trung Quốc. Việc mà VNCH hay chúng ta không cần chút nào trong lúc này là đụng độ giữa Trung Quốc và Chính phủ Việt Nam về mấy hòn đảo, dẫn tới vai trò bất chấp của Trung Quốc trong cuộc chiến Việt Nam”.
* HAI ĐIỆN TÍN TỪ SÀI GÒN
Trong quá trình tìm kiếm các tư liệu về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôi đã tiếp cận 2 điện tín do Graham Martin, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn gửi về Washington D.C., ngay sau khi xảy ra biến cố Hoàng Sa. Nội dung 2 điện tín này đề cập nhiều vấn đề, trong đó có nguyên nhân khiến VNCH hủy bỏ lệnh không kích tái chiếm Hoàng Sa.
1. Điện tính do Đại sứ Martin gửi đến Nhà Trắng ngày 20/1/1974, mức độ KHẨN
Bức điện gồm 8 mục, xin lượt thuật những nội dung chủ yếu như sau:
- Ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc đã gọi điện cho Đại sứ Martin vào lúc 4g15 sáng ngày 20/1/1974 để báo tin về tình hình nghiêm trọng ở Hoàng Sa. Cuộc gọi này thực hiện theo lệnh của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, nhằm thông qua Đại sứ Martin để báo tin đến Tổng thống Mỹ Nixon về tình hình tại quần đảo Hoàng Sa và kế hoạch hành động của chính quyền VNCH. Theo đó hải quân Trung Quốc với sự yểm trợ của 3 chiếc MIG, đã tấn công lực lượng VNCH đang đóng giữ trên các đảo Hữu Nhật, Quang Hòa và Hoàng Sa, đã buộc lực lượng VNCH rút lui, để lại khoảng 70 quân nhân, có khả năng bị Trung Quốc giết hoặc bắt làm tù binh.
- Do lực lượng Trung Quốc áp đảo, “nên nó dường như không thực tế để cố gắng giải quyết vấn đề bằng phương thức quân sự, kể cả phản công bằng máy bay” (it did not seem practical to attempt to solve the problem by military means. Even counterattack by air was not feasible). Vì vậy Tổng thống Thiệu [cần] chỉ thị cho Ngoại trưởng Bắc tiến hành các bước đi ngoại giao để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và kêu gọi sự ủng hộ của Hoa Kỳ và các đồng minh thân cận. Theo đó, VNCH sẽ đưa vụ việc ra Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc (LHQ); thông báo với SEATO về hành động xâm lược của Trung Quốc; cân nhắc đưa vụ việc tranh chấp ra tòa án công lý quốc tế. Tuy nhiên, VNCH chưa quyết định việc này vì e ngại Trung Quốc sẽ không chấp nhận ra tòa.
- Thông báo cho các bên tham gia ký kết Hiệp định Paris (1973) rằng Hiệp định quy định tất cả các bên đều phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, và Trung Quốc là một bên tham gia ký kết Hiệp định này. Ngoại trưởng Bắc cũng kêu gọi một cuộc họp với các phái đoàn ngoại giao ở Sài Gòn về vụ việc và yêu cầu sự hỗ trợ từ chính phủ của họ.
- Đại sứ Martin hứa với Ngoại trưởng Bắc là sẽ cập nhật tình hình cho Ngoại trưởng Mỹ [Henry Kissinger], và sẽ liên lạc với ông Bắc ngay khi có phản ứng chính thức từ Washington D.C, đồng thời nói rằng nếu VNCH đưa vụ việc ra Hội đồng bảo an LHQ thì Mỹ sẽ lên tiếng nhưng cần cân nhắc đến những tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa của các đồng minh khác của Mỹ như Đài Loan và Philippines.
- Đại sứ Martin nghĩ rằng VNCH cần xem xét lại mối nghi ngờ khi đưa vấn đề ra Tòa án La Haye, kể cả khi Trung Quốc từ chối ra tòa thì việc này cũng chứng tỏ là VNCH đã chọn giải pháp hòa bình thay cho vũ lực. Điều này rõ ràng là có ích trong việc duy trì sự liên lạc sau này.
2. Điện tín do Đại sứ Martin gửi cho Tướng Brent Scowcroft, trợ lý của Ngoại trưởng Henry Kissinger, ngày 21/1/1974, mức độ KHẨN,
Bức điện gồm 10 mục, xin lượt thuật những nội dung chủ yếu như sau:
- Thông báo cho Brent Scowcroft biết diễn biến tình hình, để Brent Scowcroft báo cho Kissinger biết và quyết định cách tiếp cận của ông ta đối với Trung Quốc, nếu có. Martin cho rằng sự hiện diện của Tổng thống Thiệu ở Đà Nẵng tại thời điểm này đã tạo ra áp lực vô hình không cần thiết để xử lý vụ việc. Nếu như ông Thiệu có mặt ở Sài Gòn thì phía Mỹ sẽ biết được dự định của ông ấy và tham vấn cho ông Thiệu những hành động hợp lý hơn. Martin thông báo rằng: “sáng nay tôi đã nghe nói ông Thiệu đã ra lệnh cho không lực Việt Nam Cộng hòa ném bom quân Trung Quốc ở Hoàng Sa. Lệnh đó đã được đình chỉ”. (I heard this morning he had ordered RVN airforce to bomb Chinese forces in Paracels. That has been stopped).
- Cân nhắc việc tư vấn cho chính quyền VNCH rút đơn vị đồn trú ra khỏi đảo Nam Yết ở Trường Sa hay chờ đợi trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục xâm phạm Trường Sa.
- Khẳng định Mỹ “không thể tham gia trực tiếp trong cuộc tranh chấp chủ quyền giữa các đồng minh lâu đời là VHCH, Đài Loan và Philippines, hoặc giữa những nước này với Trung Quốc mà Mỹ đang hy vọng xây dựng một mối quan hệ nhiều hơn trong tương lai” (We cannot, I think, become directly involved in the disputes over sovereignty between our old allies - the RVN, the ROC, and the Philippines. Or between them and the PRC with whom we would hope to build a more forthcoming relationship).
- Sử dụng tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế (ICRC) để yêu cầu các bên trao trả tù binh và những binh lính tử trận, tốt nhất là tiến hành trước dịp Tết [Giáp Dần, 1974] và nơi thực hiện việc trao trả này là ở đảo Hải Nam hay Đại lục thì sẽ thuận tiện hơn so với việc trao trả ở đảo Hoàng Sa.
- Xác minh việc hãng tin UPI ở Sài Gòn đưa tin “có một người Mỹ là [Gerald] Kosh bị Trung Quốc bắt giữ tại trạm khí tượng trên đảo Hoàng Sa”, xem thử ông ta đã bị giết hay bị bắt giữ.
- Dựa vào những quan sát của phái đoàn Mỹ tại Liên hiệp quốc để khuyên Việt Nam chỉ gửi công hàm phản đối Trung Quốc lên Hội đồng bảo an, nhưng không thông tin cho báo chí và chắc chắn là không phải để bỏ phiếu [lên án Trung Quốc].
- Đại sứ Martin cho biết Tổng thống Thiệu muốn gửi thư cho Tổng thống Nixon yêu cầu can thiệp và lên án Trung Quốc, nhưng Martin đã tìm cách ngăn cản việc gửi lá thư này đến Nixon, mà chỉ đề nghị Ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc yêu cầu chính phủ VNCH đưa sự vụ ra Tòa án quốc tế và gửi báo cáo tới SEATO (Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á). Dùng ảnh hưởng của cá nhân để kiềm chế bất cứ hành động thiếu cân nhắc nào của Tổng thống Thiệu.
- Cân nhắc để tìm cách sử dụng sự kiện đáng tiếc này theo cách tiến hành các mục tiêu tổng thể của Mỹ; tìm cách tiếp cận với Trung Quốc theo các hướng có ích. Không đề nghị Trung Quốc trả lại quần đảo Hoàng Sa cho Việt Nam, vì Trung Quốc đã chiếm được nó và rõ ràng là không muốn trả lại. Chỉ khuyến nghị Trung Quốc trao trả cho VNCH những người tử trận và tù binh trong dịp Tết [Giáp Dần 1974]; Giúp VNCH bảo vệ Trường Sa và những mỏ dầu tiềm năng ở đó…
* MỘT VÀI NHẬN XÉT
Từ nội dung 3 điện tín trao đổi giữa Bộ Ngoại giao Mỹ với Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn trên đây, cho thấy:
- Mỹ đã “đi đêm” với Trung Quốc trong vấn đề Hoàng Sa, vì thế họ không hỗ trợ VNCH giành lại Hoàng Sa, bỏ mặc cho Trung Quốc chiếm đóng quần đảo này.
- Mỹ ngăn không cho chính quyền VNCH, đặc biệt là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, có những hành động có thể gây phương hại cho mối quan hệ Mỹ - Trung đang ấm dần lên. Vì thế Mỹ ủng hộ VNCH lựa chọn giải pháp hòa bình (ngoại giao và pháp lý) đối với vấn đề xung đột ở Hoàng Sa, mà không dùng giải pháp quân sự.
- Tuy nhiên, phía Mỹ không trực tiếp yêu cầu VNCH hủy bỏ việc dùng không quân để phản công giành lại Hoàng Sa, mà tạo sức ép tâm lý, buộc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cân nhắc tương quan lực lượng và nhận thấy thái độ của Mỹ đối với vấn đề Hoàng Sa, rồi tự ra quyết định hủy bỏ việc không kích tái chiếm Hoàng Sa.
- Phía Mỹ khẳng định là sẽ giúp VNCH giữ Trường Sa trong trường hợp Trung Quốc manh động xâm phạm quần đảo này. Như vậy có thể thấy rằng Mỹ quyết định buông Hoàng Sa cho Trung Quốc nhưng với Trường Sa thì không.
T.Đ.A.S.

2 nhận xét :

  1. Bài viết hay lắm.Chúc em luôn vui,khoẻ.
    http://vietquoc.com/wp-content/uploads/2016/01/Nguy-Van-Tha-19011974.gif

    Trả lờiXóa

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!