Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

GIEO_THAY LỜI CHÀO !

*Kính các anh chị và các bạn hữu!
Cho Quỳnh thân ái gửi đến quý anh chị và bạn hữu lời chúc :
MÙA GIÁNG SINH AN LÀNH!
NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG HẠNH PHÚC VIÊN MÃN !
Do công việc Quỳnh phải nghỉ blog một thời gian,qua Tết mới trở lại được.Cho Quỳnh gửi đến quý anh chị và các bạn lời chúc sớm thay lời chào tạm biệt.
Thân ái ! Quỳnh.
                             

        http://www.tho.com.vn/thi-pham/gieo/33417   
                          GIEO


Đừng  bới  trong  nhau  tìm  hoài  lầm  lỗi
Rác  rưởi  trần  gian  đọng  lại  thời  gian
Xó  xỉnh  tâm  tư  đêm  ngày  nhức  nhối
Em  hỡi , em  ơi  băng  bó  lòng  nhau !

Dĩ  vãng  qua  đi , ngày  xưa  để  lại
Kỷ  niệm  vui  buồn  kết  chuỗi  tràng  hoa
Đây  mảnh  vườn  quê  đời  đời  còn  mãi
Máu  người  đi  trước  quyện  mồ  hôi  sau !

Năm  tháng  ruộng  lúa , năm  tháng  nương  dâu
Năm  tháng  đời  người  bao  mùa  trồng  gặt
Bao  mùa  mưa  nắng , bao  mùa  được  mất
Lầm  lỗi  lớn  khôn  dâu  lúa  đời  người !

Cho  anh , cho  em  tiếng  khóc  nụ  cười
Cay  đắng  ngọt  bùi  ta  nếm  trong  nhau
Ta  đến  trong  nhau  như  tìm  đến  đất
Gieo  trồng  và  gặt , ngày  tháng  bao  dung !

                              Lý Đức Quỳnh_ĐN-14/1/1997

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

EM VỀ

                               

                   
                   EM  VỀ

Xõa  tóc  khói  sương  em  về  gió  lộng
Qua  cầu  hoàng  hôn  tình  nhớ  xa  xôi
Mộng  ước  trăm  năm  tháng  ngày  vung  vãi
Lòng  ngồi  nhặt  lại  tình  đã  xa  khơi !

Trống  vắng  mênh  mông  mơ  ngày  tương  ngộ
Tình  như  mưa  gió  chăn  gối  đêm  sâu
Trùng  dương  lênh  đênh  một  đời  bọt  biển
Em  về  vỗ  sóng  lối  ngõ  lòng  nhau !


         Lý Đức Quỳnh_ĐN-24/11/1996

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

ĐẮM

                                   


                             ĐẮM

Em  vẫn  đó  giữa  lòng  đời  hoa  mộng
Mà  ta  xa  từ  ngày  tháng  hoang  đường
Thu  sớm  vàng  trong  cuống  lá  xuân  xanh
Làm  bỡ  ngỡ  cả  trưa  hè  trốn  gió !

Em  mãi  hát  làm  say  mèm  giọt  nắng
Nhớ  nhung  xưa  mưa  xa  vắng  đi  về
Ta  rớt  lại  sau  hoàng  hôn  dĩ  vãng
Ném  thời  gian  vào  hố  thẳm  hoang  tàn !

Xa  xôi  quá , sao  mà  em  vẫn  đó
Mãi  là  trăng  soi  lòng  nhớ  không  gian
Gần  gũi  đến  nổi  gai  từng  cảm  giác
Bột  thời  gian  chung  thủy  khéo  pha  màu !

Ngọc  ngà  trong  sâu  đen  mắt  thần  tiên
Càng  bẽn  lẽn  tóc  xanh  cười  bạc  bẽo
Tình  phiêu  du  trên  đôi  bờ  nhật  nguyệt
Ta  yêu  em  chìm  đắm  dưới  trần  gian !

     Lý Đức Quỳnh _ĐN-25/4/1996

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

QUÊ TRONG RẤT...

                            


Quê trong Em ! ( Cảm xúc từ những bài thơ Quê bên nhà anh Quỳnh Lý Đức!)của HÀ DƯƠNG 

"Không nơi nào đẹp bằng nơi này!" Đó là câu nói mà ai cũng có thể nghĩ tới khi nhớ về " Quê hương " Nơi mà mình đã sinh ra và lớn lên!

Ở đó, nơi cuộc sống không tấp nập, không bon chen, không chớp nháy ánh đèn xanh đỏ, con người bình dị trong cái kiêu sa.

Ở đó, nơi có cái Cổng làng đẹp như cái Cổng làng của cụ Bàng Bá Lân , những đứa trẻ chăn trâu trên cánh đồng vàng, đàn cò trắng tung bay về phía cuối trời, bọn trẻ vô tư cởi áo ù nhau nhảy ùm xuống sông, trên bờ lũ bò nhởn nha gặp cỏ.

Chiều hôm đón mát cổng làng
Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi
Đồng quê vờn lượn chân trời
Đường quê quanh quất bao người về thôn

Chiều chiều tiếng sáo diều vi vu sau rặng tre cong vút, đàn trâu nối đuôi nhau về làng, các mẹ lưng còng trồng rau cấy lúa, ánh hoàng hôn như đan vào nhau , dệt lên một bức tranh đẹp như " Bức tranh quê" của Nữ sĩ Anh Thơ

Ngoài bờ đê cỏ non tràn cỏ biếc
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa

Đối với Rất,Quê không chỉ là nơi sinh ra và lớn lên.  Ở đó có hình ảnh của Mẹ! Mẹ là người đã sinh ra con, nuôi con lớn bằng dòng sữa mát , nhiều đêm ngủ ngồi bế ẵm nâng niu . Mẹ là ánh trăng sáng soi con trên bước đường đời, Mẹ là chiếc lá sen che nắng che mưa, Mẹ là gốc cổ thụ, là điểm tựa vững chắc của con khi đôi chân mệt nhoài. Mẹ là hơi thở từ những ngày đầu con hình thành cho đến khi con khôn lớn , Mẹ dõi theo con mỗi bước chân trên mọi nẻo đường đời. Mẹ không ngần ngại hy sinh, chăm sóc , mang cực nhọc đau đớn vào lòng...để con mẹ vững bước trưởng thành!

Quê hương của con là Mẹ, là nơi chôn rau cắt rốn, là nơi con gửi cả tâm hồn!

Anh Quỳnh Lý Đức thân mến!

Em vẫn biết chúng ta đôi khi vẫn còn sân si đôi chút bởi như Phạm Duy đã viết : Lòng tôi sao vẫn còn biên giới...

Nhưng khi em đọc những bài thơ của anh viết về Quê hương. Dường như Quê trong anh rất buồn, rất nghèo, rất oằn mình. Mỗi khi đọc em lại cồn cào một nỗi nhớ quê, mặc dù em sinh ra nơi có bãi biển yên bình, sóng xô bờ tung tóe. Nhưng Em lại rất ấn tượng với Làng trong tranh, Làng trong văn học, Làng trong thơ ca. Làng nơi Ba em sinh ra ,Làng trong em thật đẹp . Đẹp như một bức tranh, nơi đó chỉ có yên bình....dòng sông nước chảy êm ru đôi bờ...

Anh trai à ! 

Thiên hạ thường truyền tai nhau rằng " Mạng là ảo  - Ảo mệnh". Phải chăng thế gian là hư ảo, là mộng ảo, là huyễn tưởng? . Xử thế nhược đại mộng -  Hồ vi lao kỳ sinh (  Lý Bạch ) Trong mộng có thực - Trong ảo có chân . 

Trong  mạng ảo có thực mạng ( !)  - Lẽ dĩ nhiên trong một chừng mực có thể hiển lộ phô diễn ...và lẽ dĩ nhiên là những góc khuất, là phần chìm của tảng băng trôi.

Và rồi những tháng ngày lang thang rong ruổi trên blog, Em nhận ra rằng có những tâm hồn rất đáng quý, đáng trân trọng. Một trong số đó là Anh ! Đối với em Anh như một người Anh trai, một người cha, một người chú! Một người em luôn kính trọng!

Đôi lời gửi tới Anh trai ! Thân chúc anh luôn mạnh khỏe và luôn là một người anh mẫu mực trong lòng đứa em gái này !


*** Cảm ơn em gái đã có bài viết thú vị từ những cảm xúc chân thật !

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

LÒNG QUÊ


                                  LÒNG  QUÊ


Chiều  mưa  qua  núi  qua  sông
Qua  vắng  cánh  đồng  hiu  quạnh  làng  quê
Ngoằn  ngoèo  mòn  lối  sơ  khê
Xa  xôi  ai  có  đi  về  thăm  nhau
Chiều  mưa  nước  nổi  trắng  phau
Mái  tranh  lọt  thõm  giữa  bầu  trời  mưa
Đêm  dài  mẹ  kể  chuyện  xưa
Buồn  thương  lòng  mẹ  gió  mưa  u  hoài
Khổ  đâu  mà  tận  phôi  thai
Nào  cam  chi  phận  trần  ai  ơi  người !

Chiều  mưa  qua  núi  chơi  vơi
Qua  sông  vắng  lặng  qua  đời  hút  heo
Nhớ  cha  nhớ  mẹ  gieo  neo
Lặng  thầm  chiếc  bóng  quê  nghèo  nuôi  con
Nhớ  thương  kiếp  sống  mỏi  mòn
Đã  bao  trăn  trở  vẫn  còn  dây  dưa
Chiều  mưa  lại  nhớ  chiều  mưa
Đêm  mưa  lại  nỗi  đong  đưa  võng  đời
Trăm  năm  dâu  bể  vợi  vời
Não  nùng  thân  phận  nhìn  trời  rơi  mưa !

                                         Lý Đức Quỳnh_ĐN-8/3/1997      

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Cảm nhận Huỳnh Xuân Sơn với bài Góc Quê của Quỳnh

   http://tho.com.vn/b%C3%A0i_vi%E1%BA%BFt/hu%E1%BB%B3nh_xu%C3%A2n_s%C6%A1n_v%E1%BB%9Bi_c%E1%BA%A3m_nh%E1%BA%ADn_b%C3%A0i_th%C6%A1_g%C3%B3c_qu%C3%AA_c%E1%BB%A7a_t%C3%A1c_gi%E1%BA%A3_l%C3%BD_%C4%91%E1%BB%A9c_qu%E1%BB%B3nh/31340                                                         
                                         

                Cảm nhận Huỳnh Xuân Sơn với bài Góc Quê của Quỳnh.

Câu thơ “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”- (Nguyên Sa). Nhiều người  thuộc và rất nhiều người thích.Áo lụa em mặc mà anh mát, nói lên  vẻ đẹp của lụa tô điểm thêm cho nét đẹp người con gái mặc nó.

Tình cờ tôi đọc được bài thơ của tác giả  Lý Đức Quỳnh, cũng liên quan tới lụa nhưng trước khi có tơ để dệt lụa ,thì phải trồng dâu nuôi tằm , quay tơ, canh cửi mới có lụa.  và muốn biết nơi làm ra nó thì ta hãy về thăm một Góc Quê của anh:

Góc Quê

Khuất lặng sau tre cái cổng làng
Chia khao khát nhớ nỗi thênh thang
Vàng phơi ánh lụa trên nong kén
Biếc lượn triều dâu cuối bãi ngàn
Nắng dệt đường tơ se sợi thắm
Trăng quay canh cửi vọng đêm tàn
Xiêm y hồ hởi ai reo phố
Lủi thủi góc quê những trễ tràng.- (Lý Đức Quỳnh)

Bài thơ được viết theo thể thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú. Với những câu từ chắt lọc viết về một làng nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa.nhưng có lẽ muốn biết về nghề trồng dâu hay về nuôi tằm dệt lụa ta phải vô hai câu đề đã :

Khuất lặng sau tre cái cổng làng
Chia khao khát nhớ nỗi thênh thang

Hai câu đề anh viết, có lẽ ngay cái lúc anh bước về quê trước cổng làng nằm lặng lẽ sau rặng tre xưa, giờ vẫn vậy. làng quê dù có thay đổi đến đâu thì cái cổng làng thiêng liêng ấy chẳng thể dời chỗ.

Nhưng nút thắt cần gỡ là ở câu đề thứ hai :”Chia khao khát nhớ nỗi thênh thang”. Nỗi nhớ có bao nhiêu và nhiều tới mức nào? Sao anh không thể tìm từ diễn tả mà phải chia nó ra vậy? dẫu nỗi nhớ có thênh thang cỡ nào thì trong lòng trong trái tim ta vẫn còn chỗ chất chứa mà! Hai câu đề anh dùng phép đảo từ càng làm cho nỗi nhớ thêm mênh mang, nhưng nhớ gì đây thì ta phải đi tiếp tìm ở trong hai câu thực:

Vàng phơi ánh lụa trên nong kén
Biếc lượn triều dâu cuối bãi ngàn

Ở đây hai câu này với các cặp đối “Vàng phơi” đối với “Biếc lượn” và “ánh lụa” đối với “Triều dâu” . còn “trên” đối với “cuối” và cặp đối cuối cùng “nong kén” đối với “bãi ngàn”. Bốn cặp đối của hai câu thơ thứ 3 và thứ 4 trong thơ Đường luật gọi là hai câu thực này, hòa quyện ý từ với nhau kết thành hai câu thơ tả cảnh sống động và đẹp tuyệt. Bạn hãy xem nhé: Bức tranh Góc Quê có muôn nong kén sắp hàng vàng óng chuẩn bị quay tơ, tơ quay xong được mang ra phơi vàng óng một góc trời .

Đối với cảnh ươm tơ đó. Nhìn xa ngút tầm mắt là bãi dâu màu xanh biếc, gió thổi từng lớp lớp nô đùa trên ngàn dâu lả lướt tạo ra những triều sóng nối tiếp nhau chạy dài đến cuối bãi.

Phong cảnh quê anh đẹp vậy cớ sao nỗi nhớ mênh mang, anh lại phải chia nhỏ ra ngay khi nhìn thấy cổng làng nhỉ. Ta sẽ vào hai câu luận xem may ra có đáp án:

Nắng dệt đường tơ se sợi thắm
Trăng quay canh cửi vọng đêm tàn

Ở hai câu luận này anh dùng các cặp đối “Nắng dệt đường tơ” đối với “trăng quay canh cửi”. và “se sợi thắm” đối với “ vọng đêm tàn”. Các cặp đối kết lại với một nhịp điệu mượt mà như chính khung cảnh mà cặp luận  muốn tả

Quang cảnh làng nhề ươm tơ dệt lụa nổi rõ hơn qua hai câu luận này. Anh dùng biện pháp ẩn dụ dẫn dắt ta vào ban ngày thì, ươm tơ, dệt lụa bằng hình ảnh nắng làm nền. Còn đêm về tiếng canh cửi vọng khắp làng nhiều khi tới tàn đêm bằng hình ảnh Trăng quay khung cửi. Không gian và thời gian cùng khung cảnh đã được tác giả khắc họa rất tài tình và sống động ta thấy rõ làng quê thanh bình với   công việc qua một  ngày đêm rồi mà vẫn chưa thấy tại sao nỗi nhớ mênh mang kia phải chia ra,  mặc dù đã tới hai câu kết:

Xiêm y hồ hởi ai reo phố
Lủi thủi góc quê những trễ tràng.

Giờ thì chẳng cần thắc mắc nữa. đã có câu trả lời. sau hai câu kết đầy tâm trạng và nỗi niềm của anh. Ta mới vỡ ra cái điều mà khiến nỗi nhớ anh phải chia ra kia. Bởi "hồ hởi reo  trên phố" chẳng mấy ai còn dùng tới lụa nữa xã hội phát triển vải vóc công nghiệp ào vào theo. Cuốn phăng đi mất những ánh lụa vàng phơi, những biếc lượn triều dâu và trăng quay canh cửi hay nắng nhuộm đường tơ kia chỉ còn trong nỗi nhớ của anh thôi. Làm sao trái tim đau đáu với quê hương với cuội nguồn như anh mà có chỗ chứa.đành phải chia ra cho vơi bớt. Nhưng nào đã thấy bớt được mà chỉ thấy anh với "lủi thủi góc quê những trễ tràng"

Vâng có lẽ là mới "trễ tràng" thôi anh ạ. Chứ chưa muộn hẳn. Giờ đây nghề chăn tằm dệt lụa đang dần khôi phục trên khắp quê hương từ Tân Châu Long Xuyên tới Vạn Phúc Hà Đông. Duy chỉ có điều các công đoạn quay tơ, dệt lụa, hong tơ sấy lụa, tẩm hấp người ta làm bằng máy thay thế cho thủ công, vì vậy mà tiếng khung cửi lanh canh thâu đêm chẳng còn nghe.  Nhưng chắc chắn sẽ còn một thứ mà đau đáu trong lòng anh, đó là sóng lượn xanh biếc của « triều dâu ». để bù lại một chút cho những hình ảnh và âm thanh sẽ chỉ còn trong nỗi nhớ : .

Ở câu kết cái"lủi thủi",cái"trễ tràng"còn nói lên nỗi đau của người viết khi nhìn thấy cái hình ảnh rất đẹp,rất êm đềm thơ mộng.Nhưng cái"mốc thếch"của quê nghèo vẫn nguyên vẹn,vẫn đóng khung sau cái cổng làng,vẫn im lìm trong góc quê khuất lặng,như đang tụt hậu,như đang bị bỏ quên khi xã hội vận động phát triển,phố xá đông vui rộn ràng hồ hởi,còn người quê vẫn mãi lủi thủi quẩn quanh trong nhịp điệu lỗi thời lạc hậu,tẻ nhạt.Hoàn cảnh và điều kiện như đang chôn chân,nhốt cuộc đời họ trong mỏi mòn,trong khát khao mà chẳng thể nào vượt thoát được......

Góc Quê của tác giả Lý Đức Quỳnh là như vậy đó ư?  Góc quê là hoài niệm, là trở trăn, là hình ảnh sẽ theo anh mãi mãi tới bất cứ nơi nào mà anh đến!

Sài Gòn 25/11/2013

Huỳnh Xuân Sơn

*Xin cảm ơn bạn Huỳnh Xuân Sơn đã cảm nhận bài thơ GÓC QUÊ của Quỳnh !